SỰ TỬ: CỬA VÀO ĐỜI SỐNG MỚI
Cửa Vào Đời Sống Mới
hay Sự Tử
A. Tổng Quát
I. Lòng Sợ Chết
II. Định Nghĩa
III. Mục Đích Cái Chết
IV. Chiến Tranh
B. Bản Chất Cái Chết
Hai Sợi Dây Sống
C. Diễn Tiến Cái Chết
I. Ba Đường Thoát
II. Những Giai Đoạn Rút Lui
III. Sự Đậm Đặc của Thể Sinh Lực
IV. Hoạt Động Ngay Sau Khi Chết
V. Cõi Devachan
D. Nghệ Thuật Chết
I. Chuẩn Bị Đường Rút Lui
II. Chuẩn Bị Cái Chết
III. Lý Do Hỏa Thiêu
E. Ứng Dụng
Phụ Lục
I. Phút Chuyển Tiếp
II. Đời Sống Bên Kia
Để theo dõi sát ý của bài, bạn nên đọc thêm những bài và sách dưới đây có đăng trên trang web PST:
– Vòng Tái Sinh, H.K. Challoner
– Hành Trình một Linh Hồn, Peter Richelieu
– Luân Hồi
– Karma
– Devachan
A. Tổng Quát
Cái chết là hiện tượng thông thường ai cũng trải qua và chẳng những vậy, là điều mà ta trải qua bao lần trong quá khứ và sẽ còn gặp lại vô số lần trong tương lai. Chết cũng không phải là hiện tượng riêng của loài người mà trong sự đau khổ và thiếu hiểu biết, ta quên rằng chết là hiện tượng phổ quát trong thiên nhiên, gặp ở mọi loài: cây cỏ, thú vật, mà còn hơn thế nữa, cái chết còn xẩy ra cho nhiều điều khác: sự tàn lụi của một nền văn minh như văn minh Babylone, văn minh Chàm, của một giống dân, quốc gia và cao hơn là của hành tinh và cả thái dương hệ. Khi xem cái chết không phải là biến cố riêng rẽ trong cuộc sống mà đặt nó vào đúng vị trí, ý tưởng mang lại nhận thức mới, cho khám phá bất ngờ là cái chết có thể là một biến cố tốt lành, đáng được tiếp nhận với niềm vui hân hoan.
Khoan nói về mặt tâm linh và huyền bí học mà hãy nhìn sự việc theo nhãn quan thông thường, chết là hiện tượng tự nhiên và cần thiết của sự sống, sự biểu lộ. Bình thường cái chết là sự phá bỏ, hủy hoại cái cũ để thay chỗ bằng cái mới tốt đẹp hơn. Phải có tan rã mới có tái tạo, tan rã đây là tan rã vật chất, các nguyên tử trong những thể được phóng thích trở vào kho thiên nhiên để từ đó chúng lại được rút trở ra, tạo nên hình hài mới khi linh hồn tái sinh, còn sự sống hay tâm thức không hề suy suyễn. Tiến trình Sáng tạo - Bảo tồn - Hủy diệt như vậy đặt cái chết vào vị trí đúng thực của nó, là một phần không thể thiếu của sự sống, đóng vai trò quan trọng cho sự sống được diễn ra suông sẻ, và do vậy rất cần thiết. Cái cũ không chết đi thì cái mới không thể sinh ra, cũng như không có hủy diệt thì không thể có tái tạo.
Lại nữa, khi nhìn nhận cái chết là một phần của tiến trình, tính cách chung cuộc của nó mất đi, nó không còn nghĩa chấm dứt mà hàm ý tiếp tục, sự sống được chuyển sang hình hài mới thích hợp hơn cho mục đích của sự sống ấy.
Như vậy nói về sự chết là nói về cái phân biệt giữa hình thể và sự sống bên trong. Với ai có thể nhìn thấy sự sống ấy, quan sát từ cõi ether sẽ thấy địa cầu được tái tạo không ngừng nghỉ, gián đoạn; cõi ấy có hoạt động rộng lớn do hình hài các loại hằng được mang trở vào kho dự trữ vật liệu, rồi lại được rút ta tạo hình thể mới. Vật chất ấy là một, duy nhất cũng như tinh thần con người là một với Đại hồn, và tương quan giữa nguyên lý Tử và nguyên lý Sinh là hoạt động căn bản cho sự sáng tạo.
Khi thấy cái chết là chấm dứt một kiếp và mở đầu hay cho phép một kiếp sống mới khởi sự, ta có ý thức thêm phần nào về vai trò của nó, tức cái chết là biểu lộ cho luật chu kỳ và do đó không có tính cách vĩnh viễn, chung cuộc.
Linh hồn cố ý và có chủ đích khi phát ra trên cõi của nó mệnh lệnh, kêu gọi sự sống trong ba cõi hoàn nguyên. Khó khăn hiện giờ gây ra do việc rất ít người ý thức về linh hồn của mình, và bởi thế không biết mệnh lệnh của nó. Khi càng lúc nhân loại càng nhậy cảm hơn với linh hồn, cái chết sẽ được coi là tiến trình có trật tự xẩy ra mà con ngườicó tri thức hoàn toàn, và hiểu biết mục đíchcó chu kỳ của sự sống. Bởi luật chu kỳ quản trị cái chết nên huyền bí học mới nhấn mạnh đến luật ấy. Cái chết đôi khi xem như vô nghĩa, lãng phí, bất công, đáng thương chỉ vì ta không rõ mục đích của linh hồn, kiếp đã qua không được biết tới, và con người dưới trần không tiếp xúc được với linh hồn.
Nhìn theo khía cạnh tâm thức, cái chết là sự chuyển di tâm thức từ cõi trần sang cõi tình cảm và rồi cõi trí, sự liên tục giữa ba cõi tựa như người ở sâu trong nước trồi lên mặt vào bờ. Người lặn vẫn là một tuy môi trường thay đổi và quần áo anh thay đổi; anh vất bỏ chân vịt, bình dưỡng khí, quần áo lặn, nhưng anh vẫn là anh, đâu có gì đáng sợ và mất mát ? Cảm giác mất mát rất phổ thông hiện giờ là do con người đồng hóa tinh thần với hình thể, chú tâm nhiều vào phần hình thể hơn là phần tinh thần, và khi hình thể tan rã họ cho đó là tai họa lớn lao và hóa sầu khổ.
I. Lòng Sợ Chết
Chuyện dễ hiểu là con người e ngại trước điều chi mới lạ, và cái chết tượng trưng cho sự xa lạ tột cùng. Thêm vào đó quan niệm đặt nặng vào hình hài thể chất, cái chết đồng nghĩa với sự mất mát tất cả, nên con người sợ chết. Nỗi sợ hãi gây ra từ việc linh hồn định hướng vào sự phát triển hình thể lúc ban đầu, tìm kiếm kinh nghiệm trong ba cõi vật chất để sau chót làm chủ nó hoàn toàn. Chính vì đồng hóa mình với hình hài vật chất mà ta kinh hãi cái chết.
Vì sự chết được coi như một việc xẩy ra ngoài ý muốn, hay ngược lại ý muốn và con người bất lực nên đâm lo sợ, nhưng thực ra nỗi sợ có thể tránh được khi ý thức rằng chính linh hồn muốn rút lui, gây ra cái chết, nói khác đi là con người thiêng liêng chủ động trong việc chết, nó xẩy ra phù hợp với dự định có sẵn, và theo trình tự rõ rệt, do đó không có gì là bất ngờ và đáng sợ.
Như đã nói, chết là một trạng thái của tâm thức. Phút trước chúng ta ý thức nơi cõi trần và phút sau ta rút về một cảnh giới khác rồi tích cực sinh hoạt ở đó. Khi ta biết linh hồn có thể chuyển đi tâm thức hay thức tỉnh ở một cõi khác, và vào một hình thể khác theo ý mình, chừng đó không còn cái chết.
Con người lại sợ sự chết vì nó hàm ý chấm dứt, ngưng lại tất cả điều gì quen thuộc, yêu mến, ước ao, là cái rơi đột ngột vào cõi xa lạ, mơ hồ và sự ngưng lại bất chợt những dự định, kế hoạch. Ý niệm như vậy quên đi cõi tinh thần mà con người trở về, và cần phải chuyển trọng tâm hoạt động từ thể linh hoạt sang cái tâm thức sống động trong hình thể đó, và khi chết, cái tâm thức trả vật liệu về kho vật chấtcủa vũ trụ để khi muốn, lại gọi chúng trở ra để tiếp tục mối tương quan trong thân xác mới.
Ý thức đó sẽ tự nhiên làm chấm dứt nỗi sợ, và cũng ngăn chặn khuynh hướng tự tử vốn dâng caotrong thời buổi khó khăn. Việc nhìn sự sống theo quan điểm tinh thần thay vì đặt nặng vào thể xác sẽ thay đổi nhiều định kiến của ta. Thí dụ tội sát nhân là điều đáng tránh nằm ở điểm nó can thiệp vào mục đích của linh hồn, làm xáo trộn kế hoạch đã định mà không nằm ở việc giết chết thể xác con người, vì ta dễ dàng lấy một thân xác mới qua luật tái sinh.
Lòng sợ chết còn có thể bắt nguồn từ:
– Phản ứng trong kiếp xưa khi bị chết một cách hung bạo, kinh nghiệm còn nằm trong tiềm thức.
– Lo lắng vì mất người thân, bỏ họ ở lại hay vì mình bị tách rời với thân nhân.
Nỗi sợ hãi và nản lòng tạo nên ám ảnh to lớn hiện tại mang nặng tính cách tâm lý, và không thểđượcgiải quyết bằng cách dùng yếu tố tâm lý khác, thí dụ như lòng can đảm. Nó phải được giải trừ bằng ý thức hiểu biếtcủa cái trí về linh hồn, mà không phải bằng sức mạnh tư tưởng. Con người sợ chết và không muốn trực diện với nó là do bởi họ đồng hóa với thể xác, sợ cô đơn, không muốn chia lìa với cảnh sống quen thuộc.
Nhưng nỗi cô đơn xẩy ra khi mất thể xác quả rất nhỏ bé nếu so với nỗi cô đơn khi con người sinh ra. Lúc chào đời, linh hồn bị đặt vào khung cảnh mới và bị chìm sâu vào thân xác mà vào ban đầu, nó hoàn toàn không thể tự chăm sóc, cũng như trong một thời gian dài nó chưa sử dụng được trọn vẹn óc thông minh. Con người tái sinh và không nhớ được chút gì về tính chất, hay ý nghĩa của nhóm linh hồn ẩn trong thể xác là bà con với anh trong kiếp này. Nỗi cô đơn ấy chỉ từ từ mất đi khi anh tiếp xúc, làm quen rồi kết bạn. Sau cái chết sự tình khác hẳn, vì anh gặp lại ở cuộc đời bên kia những người anh đã biết, đã có liên hệ trong đời sống ở cõi trần; anh thấy được họ, cảm được tâm tư và ý tưởng của họ, vì bộ óc xác thị là vật ngăn chặn luồng tư tưởng nay không còn nữa. Thế nên nghĩ cho cùng, cái Sinh đáng sợ hơn cái Tử, vì cái sinh giam hãm linh hồn vào hình hài vật chất, và cái chết của xác thân chỉ là bước đầu tiên của sự giải thoát, tựa như người lặn thảnh thơi nhẹ nhàng trên bờ, đã bỏ quần áo lặn cồng kềnh, vướng víu sau lưng, vui mừng đi về phía bạn hữu đangđón chờ, và anh vẫn là anhkhôngcó gì khác.
II. Định Nghĩa
Tới đây ta có đôi chút khái niệm và có thể nêu vài định nghĩa củacái chết:
– Chết trên thực tế là phương tiện để rút sự sống khỏi các thể trong ba cõi, ngày giờ chuyện xảy ra sẽ do tâm thức ấn định.
– Chết là kết quả của ý chí linh hồn, hay chết là do ý muốn rút lui của linh hồn khi đã đạt mục tiêu vạch sẵn trong kiếp này.
– Chết là sự chấm dứt một chu kỳ biểu lộ hoặc của linh hồn, quốc gia hay giống dân, mang lại sự giải thoát, mở rộng cửa sang một đời sống mới.
Nói về mặt năng lực, cái chết không gì khác hơn là cắt đứt và mất đi năng lực. Việc ấy gây ra thay đổi nơi các trung tâm lực (huyệt, luân xa), điều chưa hế được quan sát hay mô tả. Với người có khả năng quan sát, tình trạng của những trung tâm lực là cửa sổ lý thú để nhìn vào tình trạng thể xác. Nhận biết chúng làm người ta có thể quyết định là nên chữa trị tiếp hay không, do quan sát ta cũng biết đã có ý muốn rút lui hay chưa. Khi có ý, nó gây ra sức hút tinh thần mạnh đến nỗi kéo về mình sức sống trong các huyệt, làm tan rã hình thể và giải thoát sự sống bên trong, sinh ra cái chết. Nhìn từ vị thế linh hồn trên cao, ý thức đoạn cuối của một chu kỳ tái sinh khiến linh hồn kêu gọi sức sống của nó về, bằng cách phát ra năng lực ý chí đủ mạnh để thực hiện ý đó. Hình thể khi đã làm tròn mục đích của mình thì tan rã, và cái chết của thân xác bắt đầu.
III. Mục Đích Cái Chết
Ấy là sự hoàn nguyên, vật chất trở về cái kho vật chất và tâm thức về cõi tâm thức. Câu ‘Cát bụi trở về với cát bụi và linh hồn trở về với Thượng Đế’ thì không đúng hẳn. Quả thật vật chất hoàn trở lại kho của thiên nhiên, nhưng linh hồnvề cõi của nó để rồi tái sinh. Bởi năng lực đi kèm tư tưởng, ta thấy sự việc diễn như sau khi chết: lúc chu kỳ tái sinh ở cõi trần chấm dứt, linh hồn không còn lưu ý đến ba cõi thấp mà hướng tư tưởng vào cõi riêng của mình, năng lực do đó không đi vào vật chất và không còn việc tạo hình hài hay ràng buộc vào hình hài. Ý muốn sống không còn thì sự sống cũng rút lui khỏi cõi trần.
IV. Chiến Tranh
Dựa theo ý về tội sát nhân ở trên, đó cũng là lý do chiến tranh không phải là giết người như những ai tốt bụng thường nghĩ, mà nó là sự hủy hoại hình thể với thiên ý tốt lành của Hành Tinh Thượng Đế. Dù vậy, động lực của ai khởi xướng chiến tranh ở cõi trần là điều xấu. Nếu không có chiến tranh, ngài sẽ dùng những phương tiện khác để kêu gọi một số lớn linh hồn trở về theo thiên cơ đã định. Khi người ác gây chiến tranh, ngài nhân dịp ấy dùng điều chẳng lành để thực hiện ý lành.
Trong chiến tranh có một số lớn người qua đời, mà việc ấy không hề can hệ gì đến nhân quả của riêng mỗi người. Đó không phải là hành vi hoàn nguyên do một linh hồn thực hiện theo con đường của nó, mà cái chế ttrong chiến tranh xẩy ra dưới sự điều hành và ý muốn của Hành Tinh Thượng Đế, với sự trợ giúp của những đấng cao cả khác theo luật chu kỳ.
Tới một thời điểm nào đó trong cuộc tiến hóa chung của địa cầu, mối tương quan giữa Thiện và Ác đạt tới mức cần bùng nổ, và bùng nổ phải xẩy ra trọn vẹn nếu muốn thiên ý được thực hiện không bị ngăn trở, do đó sự bùng nổ được cho phép xẩy ra. Dù sao đi nữa, trong lúc ấy luôn luôn có yếu tố kiểm soát tuy con người không ý thức. Bởi những đấng cao cả không hề đồng hóa với sự sống của hình thể, nhờ vậy các ngài có sự lượng xét đúng đắn về tầm quan trọng tương đối của sự sống của hình thể, việc hình hài bị phá hủy đối với các ngài khôn gphải là cái chết như ta hiểu, mà chỉ đơn giản là tiến trình của sự giải thoát. Chính cái nhìn giới hạn của những ai đồng hóa với hình thể mới nuôi dưỡng từ bao lâu nay lòng sợ chết.
Trong thế kỷ 20 và riêng cho người Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến sự hủy hoại thân xác con người ở mức độ kinh khiếp, nhưng không có sự hủy diệt con người. Căn bản của mọi cuộc chiến tranh là óc phân rẽ, ưa thích tách biệt. Chủ trương chia cách này là ý chính đưa tới những nguyên nhân phụ thuộc của chiến tranh: óc tham lam cho ra thảm trạng kinh tế, lòng thù ghét sinh ra tranh chấp trong và ngoài nước, ý tàn bạo gây nên đau khổ và chết chóc.
Sự hủy diệt hình hài trong chiến tranh có mức quan trọng nhỏ cho những ai biết rằng luật tái sinh là nguyên lý căn bản thiên nhiên, và trên thực tế không có cái chết. Ta hiểu cái chết là sự rút lui của hình thể do ý chí của linh hồn, nhưng trong chiến tranh, đó không phải là ý muốn rút lui của một linh hồn riêng rẽ, mà là sự tham dự cưỡng bách vào việc rút lui của nhóm.
Như sự nổ nguyên tử làm nhân tách đôi, cái chết nơi con người và ở những loài khác cũng vậy. Nó phá hủy hình thể, làm tan rã và do đó có dụng ý xây dựng, cho ảnh hưởng nơi cõi tình cảm là xua tan phần nào ảo ảnh bao quanh. Chiến tranh đã cho ra tác động ấy khi hình hài bị hủy diệt ở mức độ lớn lao, về mặt tâm linh nó khiến lực mới được tuôn chảy ít bị ngăn trở, làm những tư tưởng mới cần được thừa nhận chào đời thuận tiện hơn. Nói chung kết quả của chiến tranh có thể rất tốt lành.
B. Bản Chất Cái Chết
Nguồn gốc cái chết như vậy nằm sâu. Về mặt cá nhân nó là cái chấm dứt chu kỳ tách biệt với linh hồn trên cao, là tiến trình hợp nhất và giải thoát con người khỏi sự sống bó buộc tù túng, đi vào sự rộng rãi tự do của sức sống ngàn lần lớn hơn, là niềm an lạc không gì tả được.
Tuy chết với người trung bình là kết cục tai họa, gây ra việc chấm dứt mọi liên hệ với người chung quanh, ngưng lại mọi hoạt động thể chất, mất hết tình thương và lòng yêu mến, cùng đi vào miền đáng sợ không ai biết, nó tương tự như phải rời bỏ căn phóng sáng sủa ấm cúng, thân yêu quen thuộc, nơi người thân tụ họp để bước một mình vào đêm tối lạnh lẽo đầy kinh hoàng, phập phồng lo sợ vì không biết cái gì đang chờ, nhưng người ta lại quên rằng mỗi tối trong lúc ngủ chúng ta chét ở cõi trần và sống động linh hoạt ở chỗ khác. Ta quên mình đã từ bỏ thể xác một cách dễ dàng, bởi con người chưa thể làm tâm thức não bộ hồi nhớ về việc rút lui ấy, về khoảng thời gian linh động sinh hoạt ở bên kia, nói khác đi ta không nối kết được cái chết với giấc ngủ. Cái chết chỉ là sự ngơi nghỉ dài hơn, ngưng hoạt động ở cõi trần lâu hơn. Giấc ngủ hằng ngày và cái chết giống hệt nhau, chỉ có sự khác biệt là hai sợi dây sống cùng bị đứt lìa thay vì một.
Hai Sợi Dây Sống
Trong kiếp sống dưới trần linh hồn:
– Tạo một thể xác với tính chất riêng, thích ứng với sự đòi hỏi và trình độ của linh hồn.
– Làm thể xác ấy sống động qua thể sinh lực, khiến cho nólinh hoạt trong suốt quãng thời gian linh hồn đã ấn định sẽ hoạt động dưới trần.
Trong mỗi thể xác được linh hoạt như vậy, mục đích và ý muốn của linh hồn được biểu lộ qua sợi dây Sutratma, dây phát xuất từ linh hồn đi xuống thể xác và chia làm hai:
● Dây tâm thức, vật làm con người thành một thực thể biết lý luận, suy nghĩ, trụ vào đầu chỗ tùng quả tuyến pineal gland. Đây là tính chất của linh hồn, cho biết loại tâm thức và điểm tiến hóa của con người. Dòng sinh lực này hoạt động chung với dòng sinh lực phàm nhân có đặc tính là dục vọng - tình cảm, đi vào huyệt đan điền (tùng thái dương - solar plexus), nối con người với cõi tình cảm. Nơi người chưa phát triển và người trung bình, tùng thái dương là chỗ ngụ của tâm thức, còn phần năng lực đi vào đầu được tiếp thu mà không nhận biết. Vì lý do này, linh hồn khi rút lui sẽ đi ra bằng huyệt đan điền thay vì đỉnh đầu. Trong trường hợp của người đã phát triển và sống về lý trí, dây tâm thức sẽ rút ra từ đầu.
● Dây sống trụ vào quả tim. Dây đi vào đầu thể xác, lần đến tim và ngụ ở đó trong suốt cuộc đời, mang tính chất cá biệt. Một đường nhỏ hơn mang sinh lực vũ trụ và prana - phân biệt với đường phát xuất từ linh hồn- đi vào cơ thể chỗ lá lách và ngược lên tim, nối liền với dây lớn hơn và quan trọng hơn ở đó. Dòng sống giữ cho thể xác thành cơ quan liền lạc một khối và làm linh hoạt nó, điều hợp sự hoạt động của những cơ quan trong thể, còn dòng prana làm linh hoạt các nguyên tử riêng rẽ của tế bào tạo nên thể xác.
Từ vị trí trong bộ óc, linh hồn làm con người thành một thực thể thông minh, biết lý luận, có ngã thức và biết định hướng cho mình. Họ ý thức phần nào về đời sống chung quanh tùy theo mức tiến hóa và mức độ phát triển của thân xác. Trước hết là màng lưới sinh lực của thể sinh lực, và bẩy trung tâm lực, kế đó là hệ thần kinh với ba nhánh: não tủy, hệ trực giao cảm và bẩy trung tâm lực, sau chót là hệ thống tuyến nội tiết.
Nguyên lý sống trụ ở quả tim, là cái nguyên lý phát sinh năng lực chủ động, giữ cho các nguyên tử ở vị trí đúng của chúng và tuân phục ‘ý muốn sống‘ của linh hồn. Cái nguyên lý sống này dùng hệ tuần hoàn làm phương cách biểu lộ và làm tác nhân kiểm soát, và do sự liên hệ chặt chẽ giữa mạch máu với các tuyến nội tiết, ta có hai khía cạnh của hoạt động linh hồn mang lại với nhau, để làm con người thành
một thực thể sống động có ý thức, linh hoạt, được quản trị bởi linh hồn trong mọi sinh hoạt của đời sống hằng ngày.
Cái chết vì vậy theo nghĩa đen là sự rút lui hai dòng năng lực từ đầu về tim, làm mất ý thức và tan rã thể xác.Cái chết khác với giấc ngủ ở điểm cả hai dây bị rút về, còn trong giấc ngủ chỉ có sợi dây tâm thức ở não bị rút, khi có việc ấy xẩy ra, con người hóa mê man,có nghĩa ý thức hay tri giác của họ trụ ở một thể khác. Tâm trí họ không còn hướng đến vật có hình hài sờ chạm được mà quay sang cõi cao, trụ vào thể thanh. Khi chết cả hai dây sống và dây tâm thức cùng rút, họp thành một sợi năng lực. Sinh lực không còn tuôn vào máu và quả tim ngưng làm việc, cũng như bộ óc ngưng ghi nhận. Căn nhà thành vô chủ. Bởi dây tâm thức đứt, con người không thể quay trở vào thể xác, còn thể xác bị mất nguyên lý kết hợp (qua dây trụ ở tim) sẽ bắt đầu tan rã.
Ra ngoài đề một chút, trong trường hợp khùng điên, ngây dại và ở tuổi già suy nhược thần kinh, sợi dây ở não bị rút về còn dây chuyên về sự sống vẫn trụ ở quả tim. Thành ra sức sống tiếp tục mà không còn tri giác thông minh, có sự cử động mà không còn định hướng khôn ngoan. Ở tuổi già lú lẫn, thân xác sinh hoạt có vẻ như còn tri thức, nhưng đó chỉ là ảo tưởng do thói quen, do cái nhịp đã lập từ xưa mà không phải do trí tuệ có mục đích, xếp đặt rõ ràng.
Cái chết sinh ra do hai sợi dây bị rút về theo ý muốn linh hồn. Nó xẩy ra bởi mệnh lệnh của linh hồn dù con ngườikhông hay biết chút nào ý đó. Việc diễn tiến tự động với đa số người, vì khi linh hồn rút đi ý muốn biểu lộ của nó thì phản ứng không tránh được ở cõi trần là cái chết. Hoặc cả hai dây rút về, hoặc chỉ một dây tâm thức, để lại dây sống vẫn linh hoạt qua tim mà không còn óc thông minh; linh hồn đã hướng tâm đi nơi khác và bận rộn với công việc riêng của nó. Nơi người phát triển đã cao, họ thường có thể thấy trước khi nào mình qua đời, ấy là do sự tiếp xúc với linh hồn và biết được ý muốn của nó. Đôi khi người ta còn có thể biết luôn ngày chết, cộng thêm sự nhất định giữ cho mình tỉnh thức đến phút cuối. Chuyện về các thiền sư xác nhận điều này; gần đây hơn thánh Gandhi cũng tỏ việc ấy, vào sáng ngày bị ám sát ông nói củng người phụ tá rằng hôm nay là ngày cuối của mình, và muốn mọi việc thu xếp cho xong.
Nơi bậc đạo gia, sự việc còn hơn thế nữa, họ có hiểu biết thông minh về luật rút lui, nó cho phép họ bước ra khỏi thể xác với đầy đủ tri thức, sang hoạt động ở cõi tình cảm. Làm như vậy họ có tâm thức liên tục, và không ngắt quãng nào xẩy ra giữa tâm thức ở cõi trần và sau khi chết. Con người biết mình vẫn như là khi trước tuy không còn thể xác để sinh hoạt ở cõi trần, nói chung người chết vẫn cảm biết được tình cảm và tư tưởng của người mình thương dù không qua thể xác. Họ có thể liên lạc với người thân ở cõi tình cảm hay bằng viễn cảm - telepathy (còn gọi là thần giao cách cảm), nếu cả hai đồng nhịp tương ứng với nhau, tuy sự liên lạc bằng ngũ quan không còn nữa. Dầu vậy, nên nhớ là tiếp xúc ở cõi tình cảm và cõi trí có thể chặt chẽ và gần gũi hơn trước kia, bởi anh được tự do khỏi mọi ngăn cách, trói buộc xác thân.
Tuy thế có hai chuyện bất lợi cho việc này, một là lòng đau khổ vò xé và cảm xúc bi thương quá độ nơi người còn ở lại, và ở người trung bình cái thứ hai là sự thiếu hiểu biết cùng hoang mang của chính họ khi anh đối diện với trạng thái mới, tuy nó chỉ là cảnh cũ nếu nhìn kỹ, vì mỗi đêm khi nghủ ta đều qua cõi tình cảm.
Một khi con người mất đi lòng sợ chết và có được hiểu biết về đời sống bên kia, không dựa vào chứng cớ do người đồng cốt trung bình đưa ra (thường những lời ấy thiếu thông minh, bởi họ lấy chi tiết từ chính hình tư tưởng của mình và của ai trong phòng cầu hồn), nhân loại sẽ kiểm soát được tiến trình cái chết rõ ràng, người thân còn ở lại sẽ được chăm sóc để không mất dây liên hệ và phí phạm năng lực do xúc động.
Cái chết như vậy là sự rút lui sức sống khỏi hình thể dưới sự chỉ huy của tâm thức, và ta thấy sự hủy diệt hay tan rã trên thực tế không gì khác hơn là những tiến trìnhcủa cuộc sống, hay sự rút lui là dấu hiệu của diễn trình tiến hóa và phát triển. Hình ảnh chiếc lá vàng rơi hóa mục nát rồi hòa tan vào lòng đất, là phản ảnh nhỏ bé của cuộc tiến hóa vĩ đại và bất tận. Hình ảnh đó còn nói lên nguyên lý mà bài chưa đề cập, đó là nguyên lý tổng hợp thấy được qua cái chết:
– Về mặt vật thể đó là sự hoàn nguyên chất liệu vào kho dự trữ thiên nhiên, các nguyên tử được phóng thích khỏi bốn thể, trả lại vào vật chất trong các cõi.
– Về mặt tâm linh, kinh nghiệm và hiểu biết của kiếp sống vừa qua được biến thành khả năng cho những kiếp tương lai.
Khi nhìn nhận con người là tâm thức thiêng liêng sử dụng hình hài vật chất, và cái chết xẩy ra khi tâm thức ấy rút khỏi hình hài, ta có thể nói rằng không có sự chết. Ngược lại có sự tiến vào đời sống phong phú hơn, có sự tự do so với cái bó buộc thiếu kém của thân xác. Ngoại trừ các trường hợp chết bất ngờ và do bạo hành, việc rút lui hằng e ngại thực ra không có như vẫn tưởng, đó chỉ là một cảm giác bị choáng ngợp trong phút chốc về tai họa gần kề, về sự hủy diệt và một cảm giác tương tự như bị điện giật. Chỉ có thế và không gì khác hơn.
– Với người chưa tiến hóa, chết thực ra là giấc ngủ và sự quên lãng, cái trí chưa đủ thức tỉnh để phản ứng cũng như ký ức gần như trống rỗng.
– Với người trung bình, cái chết là tiếp tục của sự sống trong tâm thức, anh theo đuổi các điều ưa thích và khuynh hướng đời mình. Tâm thức và sự tỉnh táo của người ấy vẫn vậy, anh không hề thay đổi. Anh không cảm thấy khác biệt mấy, được chăm lo ở bên kia và thường khi không biết rằng mình đã chết.
– Với người ác độc, ích kỷ, tội phạm và một số ít người chỉ sống về mặt vật chất, họ rơi vào tình trạng mà ta gọi là chưa siêu thoát, còn vướng bận cõi trần. Các mối dây đã tạo với cõi trần và khuynh hướng nhắm về nó làm thiên lệch mọi dục vọng, khiến họ bị lôi kéo ở gần với địa cầu và cảnh sống của đời vừa qua. Họ tuyệt vọng tìm bất cứ cách nào để liên lạc, đi vào sự sống ở cõi trần lần nữa.
Trong một số nhỏ khác, lòng thương yêu sâu đậm cho ai còn ở lại, hay việc chưa hoàn thành một nhiệm vụ cần kíp làm cho người tốt lành và đẹp đẽ cũng ở trong cảnh ngộ tương tự.
Có sự khác biệt to lớn hiện nay giữa việc con người khi lọt lòng tái sinh được chăm chút một cách khoa học, trìu mến, và cách thức hoàn toàn mù quáng, nhuộm nét sợ hãi, thiếu hiểu biết khi ta đưa họ ra khỏi kiếp sống này. Cánh cửa - nhất là với người tây phương - cần được mở rộng với phương pháp mới, và khoa học hơn về lối xếp đặt lúc lâm chung. Ít nhất trong lúc này ta hãy vun trồng một thái độ nới về cái chết và lập một khoa học về sự chết. Ta không nên để nó thành việc không thể kiểm soát và đè bẹp ta, mà hãy bắt đầu làm chủ việc mình qua đời sống bên kia, và hiểu đôi chút về kỹ thuật chuyển tiếp.
C. Diễn Tiến Cái Chết
I. Ba Đường Thoát
Trong cơ thể con người, thể sinh lực gắn bó chặt chẽ với thể xác. Nó gồm những trung tâm lực (huyệt đạo) và màng lưới những đường lực. Chúng nằm bên dưới hệ thần kinh (vừa dây vừa hạch). Ở trong thể sinh lực có hai cửa ra cho dây năng lực. Một cửa nằm ở tùng thái dương và cái kia ở đỉnh đầu. Hai cửa được bảo vệ chặt chẽ bằng một màng là chất ether gồm những đường sinh lực đan chéo vào nhau.
Khi xẩy ra cái chết, sức ép của sinh lực đè làm rách màng lưới và sinh ra cửa thoát. Sinh lực sẽ tuôn ra khỏi cửa này do ảnh hưởng lôi kéo tăng dần của linh hồn. Trong trường hợp thú vật hay trẻ con và người chú tâm hoàn toàn vào thể xác và thể tình cảm, cửa rút lui là tùng thái dương, và màng lưới ở đây bị chọc thủng cho phép sự sống đi ra. Nơi người tiến hóa xa hơn biết sử dụng lý trí, màng lưới ở đỉnh đầu bị rách thành lối ra.
Với người đồng cốt và ai có thông nhãn thông nhĩ bậc trung, màng lưới ở tùng thái dương bị rách sớm trong đời nên họ dễ dàng đi ra hay đi vào cơ thể, hóa mê man và sinh hoạt ở cõi tình cảm, nhưng họ không có tâm thức liên tục, và như thế không nối liền giữa sự sống ở cõi trần với những gì họ chứng kiến trong lúc mê, lại thường tỏ ra không ý thức các việc ấy trong lúc tỉnh. Trọn công việc xẩy ở dưới hoành cách mạc (diaphragm) và liên quan chính yếu đến thú tính trong người.
Trong trường hợp người cóthông nhãn mà sử dụng một cách ý thức, cũng như với người có quan năng thần bí hạng cao, không có việc mê man hay bị nhập thành đồng cốt. Màng lưới ở não bị rách và cửa ra ở đó cho phép hiểu biết, hứng khởi và giác ngộ đi vào; nó cũng cho khả năng đạt tới trạng thái đại định - Samadhi, là cái tương đương về mặt tinh thần so với tình trạng mê man của thú tính. Như vậy cái chết xẩy ra qua hai cửa thoát:
– Tùng thái dương cho người còn chủ ý về tình cảm, vật chất và do đó áp dụng cho đa số thiên về tình cảm, ít trí tuệ, không quen suy nghĩ và thú tính còn mạnh.
– Cửa ở đầu cho người đã dùng lý trí và có khuynh hướng tinh thần.
Đây là điểm quan trọng nhất cần được lưu ý, và ta dễ dàng thấy làm sao khuynh hướng sống trong đời và chủ tâm hằng ngày sẽ quyết định cách rút lui khi chết. Ta cũng có thể thấy nỗ lực làm chủ tình cảm và bản chất cảm xúc, cùng chú tâm về chuyện trí tuệ và tinh thần có ảnh hưởng lớn lao ra sao khi chết.
Nếu suy nghĩ kỹ ta có thể thấy là có đường rút lui cho người thiên về tinh thần đã tiến hóa, và cho người còn thấp không hơn thú vật bao nhiêu, vậy còn người trung bình ? Có một đường thứ ba đang được dùng tạm thời, nằm ở dưới đỉnh quả tim cho người tốt bụng, thông minh, yêu thương nhiều.
II. Những Giai Đoạn Rút Lui
Ở đây ta chỉ giới hạn vào cái chết do bệnh và tuổi già, tức cómột thời gian chuẩn bị dù ít dù nhiều, và không nói tới cái chết bất ngờ do tai nạn hay tự tử. Những giai đoạn có thể liệt kê như sau:
1. Linh hồn xướng lên âm rút lui ở cõi của nó, và lập tức gợi nên phản ứng trong con người nơi cõi trần.
– Một số hiện tượng sinh lý xẩy ra ở chỗ bị bệnh có liên quan đến tim, ảnh hưởng luôn ba hệ thống lớn nằm giữ sự sinh tử của thể xác là hệ tuần hòan, hệ thần kinh và hệ nội tiết. Ta không cần đi sâu vì y khoa đã biết nhiều dù về sau còn thêm những khám phá mới.
– Có rung động chạy dọc theo màng lưới thể sinh lực, đáp ứng với âm và xếp đặt chuẩn bị cho việc rút lui.
– Hệ tuần hòan bị ảnh hưởng một cách đặc biệt, nó vừa bị thay đổi vì hai điều trên mà còn vì một tác động y khoa chưa rõ, do hệ nội tiết gây ra. Những tuyến này đáp ứng với âm, gây ra cái chết và tuôn vào máu một chất ảnh hưởng quả tim (ta nhớ là dây sống trụ ở đó), kết quả là một trong những nguyên nhân căn bản của hôn mê hay mất tri giác, bởi nó gợi nên phản xạ của não. Về sau y khoa sẽ tìm ra chất này.
– Có rung động khắp châu thân, là kết quả của việc nới lỏng hay cắt đứt sự nối kết giữa màng sinh lực và hệ thần kinh, nhờ đó thể sinh lực tách khỏi thể xác dù vẫn còn thấu nhập mọi phần cái sau.
2. Tới đây thường có ngơi nghỉ một lúc hoặc dài hoặc ngắn. Mục đích là để cho việc tách rời giữa hai thể được diễn ra êm xuôi, không đau đớn chừng nào tốt chừng đó, và xẩy ra đầu tiên ở cặp mắt. Sự tách rời thường khi biểu lộ qua việc người bệnh trở nên an nhiên, bình thản, không sợ hãi; thái độ chứng kiến ở người sắp qua đời là họ tỏ ra thư thái, sẵn sàng ra đi, cũng như hay thấy việc sử dụng lý trí không mạnh nữa.
Dường như là người hấp hối dù vẫn còn tri thức, đang thu góp hết tàn lực để làm việc sau cùng là ra đi. Đây là giai đoạn mà bằng hữu và thân quyến - khi không còn lòng sợ chết - nên vui vẻ mừng cho người bạn, hân hoan vì họ đang rời bỏ thân xác. Lời này có thể làm nhiều người không đồng ý hiện giờ, nhưng một số ít đã ghi trong di chúc điều ấy cùng dành hẳn một khoản chi phí cho thân hữu mở tiệc, mua champagne khi họ qua đời.
3. Kế đó, thể sinh lực giờ dã được nới lỏng khỏi hệ thần kinh của thể xác, bắt đầu thu góp lực của chính nó lại để rút về. Nó kéo từ ngoại biên, chân tay vào một trong ba cửa thoát đã nói, tụ quanh đó chờ sức kéo chót từ linh hồn. Mọi việc xẩy ra do ý chí thu hồi của linh hồn, và bây giờ có một sức thu hút khác xẩy ra. Thể xác - cái tổng hợp của những cơ quan, tế bào và nguyên tử - đang tách dần khỏi thể sinh lực, khỏi các lực trong màng lưới và khỏi sự đáp ứng với sức thu hút của vật chất. Sức ấy đang trên đường đi xuống của cung tiến hóa, và có thể được gọi là tinh linh xác thân trong chu kỳ biểu lộ củalinh hồn, đây là lúc hoàn trả vật thể về thế giới vật thể.
Như vậy hai tiến trình xẩy ra cùng lúc:
– Thể sinh lực chuẩn bị rút lui.
– Thể xác đáp ứng với sự tan rã.
Một việc thứ ba cũng được thấy, là con người tri thức rút dần tâm trí mình để tụ vào thể tình cảm và thể trí, chuẩn bị cho phút tách khỏi thể sinh lực hoàn toàn khi đến giờ. Con người trở nên càng lúc càng xa lìa cõi trần và càng rút vào nội giới. Nơi người tiến hóa, diễn trình ấy được thực hiện có ý thức, và họ vẫn còn quan tâm cùng có tình thương mến đối với người khác trong lúc tách dần khỏi sự sống cõi trần. Sự tách biệt dễ dàng nhận thấy ở cái chết do tuổi già hơn là do bệnh tật, và thường khi linh hồn hay con người thật bên trong có thể lãng quên cõi trần, cái thực tại đầy ảo tính.
4. Lại một kỳ nghỉ ngoi nữa. Đây là điểm mà tinh linh thể xác đôi khi có thể giữ chặt thể sinh lực, nếu ấy là chuyện theo quan điểm của linh hồn, nếu cái chết chưa phải là một phần của kế hoạch, nếu tinh linh thể xác quá mạnh tới nỗi có thể kéo dài tiến trình chết. Sức sống của tinh linh này đôi khi làm kéo dài cuộc tranh chấp nhiều ngày và nhiều tuần. Dù vậy khi chết là chuyện không thể tránh được, khoảng ngơi nghỉ ở điểm này thường rất ngắn, đôi khi chỉ vài giây. Tinh linh xác thân mất đi sự kiểm soát, và thể sinh lực chờ đợi sức kéo từ linh hồn.
5. Thể sinh lực ra khỏi thể xác từ từ ở cửa thoát. Khi nó rút ra khỏi hoàn toàn, thể lại có hình dạng của thân xác, do ảnh hưởng của hình tư tưởngcon người đã tạo qua bao năm. Dù đã thoát khỏi thể xác, thể sinh lực vẫn chưa tách hẳn cái sau, vẫn còn mối liên kết nhỏ giữa hai vật và điều ấy giữ cho con người thật còn ở gần với xác thân vừa bỏ đi. Ấy là lý do tại sao đôi khi thân nhân thấy được thể sinh lực vật vờ quanh giường bệnh hay quan tài. Cũng đừng quên là thể tình cảm và thể trí vẫn còn thấu nhập trong thể sinh lực, và ở giữa thể sinh lực còn điểm sáng cho thấy sự hiện diện của linh hồn.
6. Thể sinh lực tan rã dần khi những năng lực tạo ra nó được xếp đặt lại và rút đi, chỉ còn để lại prana. Tiến trình tan rã này được trợ lực rất nhiều do việc hỏa thiêu. Trong trường hợp của người chưa tiến hóa, thể sinh lực còn phất phơ một thời gian dài trong vùng quanh thể xác đang tan rã, vì sức hút của linh hồn chưa mạnh bằng cái của vật chất. Với người tiến hóa và do đó không còn ràng buộc vào cõi trần, sự tan rã của nó có thể xẩy ra mau lẹ. Một khi hoàn tất, việc hoàn nguyên coi như xong, con người được tự do khỏi những thu hút của vật chất, anh trụ vào thể thanh chờ việc trở về.
Qua những tiến trình này ta có thể đi tới kết luận về cái chết là con người thật bên trong vẫn còn tồn tại, anh vẫn là anh không hề suy suyễn. Anh không bị ảnh hưởng và không bị tổn hại vì tiến trình này, anh không còn vướng mắc với cõi trần và giờ chỉ còn đáp ứng với ba yếu tố sau:
– Tình cảm thường ngày của mình
– Trí tuệ mà anh hằng sử dụng
– Ảnh hưởng của linh hồn, đôi khi xa lạ nhưng thường khi quen thuộc.
Cá tính không mất, con người vẫn y như khi ở cõi trần. Cái biến mất chỉ là hình hài vật chất, con người thật vẫn tồn tại và còn tồn tại mãi mãi.
III. Sự Đậm Đặc của Thể Sinh Lực
Một đôi khi có người sống lại vào lúc thể xác đã chết hẳn. Điều này chỉ xẩy ra được bao lâu tâm thức còn trụ vào thể sinh lực tuy rằng thể xác đã chấm dứt nhiệm vụ của nó. Vào lúc đó cảm tính và trí tính vẫn còn định hướng về thể sinh lực, dù cái chết đã xẩy tới cho xác thân và sự rút lui đang tiến hành.
Đầu tiên những lực của thể sinh lực từ ngoại biên rút vào trong, trước khi tan rã hoàn toàn làm con người được tự do ngụ trong thể tình cảm. Cho dù việc rút lui được hoàn tất, cái chết vẫn chưa xong, nó vẫn còn chờ một tác động kế từ ý chí con người. Kết quả của tác động ấy làm cho tất cả lực của thể sinh lực tan rã vào nguồn phát sinh ra nó, là kho dự trữ của năng lực vũ trụ.
Vật tan rã cuối cùng là hai trung tâm lực thứ yếu, nằm ở vùng phổi và có liên hệ chặt chẽ với cơ quan này. Linh hồn sẽ tác động lên chúng trong trường hợp bị gọi trở về thể xác vì lý do nào đó làm thân thể hồi sinh. Con người biết điều này một cách vô thức khi cứu cấp bằng cách xoa bóp ngực. Với ai bị bệnh đã lâu và cơ thể yếu đi nhiều, phép hồi sinh ấy không giúp ích và cũng không nên áp dụng. Khi chết thình lình do tai nạn, tự tử, ám sát, nghẽn mạch máu bất ngờ hay do chiến tranh, sự chấn động mạnh làm cho phương pháp rút lui bình thường chậm rãi của linh hồn bị đảo lộn hoàn toàn, khiến sự tách rời khỏi thể xác và sự tan rã trọn vẹn của thể sinh lực xẩy ra cùng một lúc.
Ở trường hợp thông thường với cái chết sinh ra do bệnh tật, sự rút lui xẩy ra chậm chạp; nếu thể xác chưa đến nỗi kiệt lực hoàn toàn, chuyện vẫn có thể xẩy ra là con người trở lại thể xác trong phút chốc hoặc dài hoặc ngắn. Điều này xẩy ra đặc biệt khi ý chí muốn sống còn mạnh, hay là công việc ở cõi trần chưa xong và chưa hoàn tất đúng theo ý muốn. Nếu người bạn còn lưu luyến cõi trần thật nhiều, nếu lòng ham muốn ấy mạnh hơn những tư tưởng khác, anh sẽ làm sự dằng co giữa thể xác - và thể sinh lực mạnh thêm.
Còn một điều khác cũng nên bàn có liên hệ đến việc ấy. Tinh linh xác thân - tiếng gọi chung sự sống của riêng thể xác - và linh hồn khi tìm cách rút lui và làm tan rã tổng số lực của thể sinh lực sẽ đối chọi nhau, việc tranh chấp có thể kéo dài, hóa kịch liệt. Nói về khía cạnh huyền bí, có hai loại hôn mê:
– Hôn mê do tranh chấp xảy ra trước cái chết thực.
– Hôn mê tái tạo, xẩy ra khi linh hồn rút dây tâm thức về nhưng còn để lại sợi dây sống, cho tinh linhcó cơ hội làm chủ tình hình và do đó phục hồi sức khỏe.
Khoa học hiện giờ vẫn chưa phân biệt được hai loại hôn mê này. Để rõ thêm chi tiết, mời bạn đọc những tác phẩm của thú y sĩ James Herriot (như All Things Wise and Wonderful v.v.),trong đó ông ghi lại vài kinh nghiệm chữa bệnh có liên quan đến ý này. Lần đầu tiên, ông gặp con cừu ốm quá nặng mà theo kinh nghiệm nhà nông, nó coi như đã chết dù đang thoi thóp. Không muốn kéo dài sự đau đớn, James Herriot chích cho nó một liều thuốc ngủ quá độ; sáng hôm sau ông và người chủ trại ngạc nhiên thấy con vật lành mạnh trở lại. Ông đặt giả thuyết rằng khi thân xác con cừu quá đỗi mệt mỏi, để nó ngơi nghỉ có thể tăng cường sức kháng bệnh và khỏi. Từ đó về sau ông áp dụng lý thuyết này với những trường hợp khác, khi con vật mắc bệnh nặng làm cơ thể yếu nhiều, thay vì chữa làm nó tỉnh táo, ông lại cho nó ngủ một giấc dài. Trong nhiều trường hợp vô vọng ông đã thành công, cứu sống con vật bằng cách ấy.
Về sau khi khả năng quan sát cõi ether trở nên thông thường, người ta sẽ rõ tính chất hai loại hôn mê, và con người không còn bị hụt hẫng giữa hy vọng và thất vọng. Bạn hữu và thân quyến của người bị hôn mê sẽ biết rõ họ đang chứng kiến giây phút rút lui của kiếp này, hay người bệnh đang hồi phục. Trong trường hợp sau linh hồn vẫn còn ảnh hưởng thể xác, làm chủ các trung tâm lực nhưng tạm thời ngưng tuôn năng lực vào xác ngoại trừ các huyệt ở tim, lá lách và hai huyệt nhỏ liên quan đến sự hô hấp. Chúng vẫn được tiếp tế sinh lực như thường tuy hoạt độngcó đôi chút yếu đi, và qua chúng linh hồn vẫn còn nắm giữ kiển soát. Khi rút lui là ý muốn của linh hồn, sự sống ở trung tâm lá lách rút trước tiên, kế đó là hai huyệt nhỏ, và đến huyệt tim, rồi con người qua đời.
Nói về thể sinh lực, vì chất ether được thu góp và rút về, nó không còn thấu nhập thể xác, cũng vì vậy nó hóa đặc dần ở những vùng thường bao quanh thể xác mà giờ không còn thấu nhập. Do sự đậm đặc ấy mà ta có thể chụp hình nó khá dễ dàng lúc cái chết xẩy ra hơn là vào những lúc khác. Chính vào phút này linh hồn phát ra âm là mệnh lệnh chấm dứt kiếp sống. Việc trở lại thân xác còn xẩy ra được trước khi âm này xướng lên, và những lực đang rút về của thể sinh lựccó thể thấu nhập thể xác trở lại.
Trong suốt những phút ấy, tâm thức người sắp qua đời trụ hoặc ở thể tình cảm hoặc thể trí tùy mức độ tiến hóa. Anh không mê man như người đứng quanh tưởng mà hoàn toàn tỉnh táo với những gì đang xẩy ra.
Như vậy, con người chấm dứt một chu kỳ biểu lộ, và điều thú vị trongviệc học hỏi Minh Triết Thiêng Liêng là khi so sánh các tiến trình, ta thấy rõ thêm âm thanh là tác nhân sáng tạo và hủy diệt. Khi chuẩn bị tái sinh và tạo các thể, linh hồn phát ra một âm mà dưa theo đó thiên thần tạo những thể mới. Nay khi rút lui v cũng xướng lên một âm và khởi đầu cho sự tan rã hình hài.
IV. Hoạt Động Ngay Sau Khi Chết
Ngay sau cái chết và nhất là khi được hỏa thiêu, con người trong thể tình cảm hay trí của mình có đầy tỉnh táo, và sống động với môi trường chung quanh như bình thường họ phản ứng ở cõi trần lúc sống. Ta nói vậy vì không phải ai cũng tỉnh táo, và ý thức sự việc chung quanh cùng mức độ như nhau. Tuy nhiên, bởi đa số người đã có nhiều ý thức vể cõi tình cảm và khi sống thường trụ vào thể này, họ thấy cảnh sống sau khi chết rất quen thuộc. Ta chớ quên rằng ‘cõi’ theo đúng nghĩa là trạng thái tâm thức mà không phải là nơi chốn địa lý. Người ta nhận ra nó do phản ứng của mình với khung cảnh chung quanh, vói dục vọng nếu đó là những cảnh thấp; với người khá hơn, do tình thương và ước nguyện, họ mê man chìm đắm vào cái gì thu hút tình cảm họ lúc còn sống. Ở cảnh đời mới phái tính không thành vấn đề, vì không còn xác thân và những đòi hỏi của nó, tuy hình dạng vẫn còn là nam hay nữ như cõi trần. Thế nên những chuyện thêu dệt quanh việc kết hôn ở cõi bên kia chỉ là tưởng tượng thiếu căn bản. Con người trong thể tình cảm đã thoát khỏi sự thôi thúc của thú tính, nơi cõi trần lúc còn xác thân bản năng ấy bình thường và đúng chỗ, nhưng trong thể tình cảm nó trở nên vô nghĩa.
Dưới đây ta ghi lại nhữnghoạt động xẩy ra sau khi con người mất thể xác:
1. Họ ý thức về chính mình, có sức thụ cảm rõ ràng mà người còn sống, mang thân xác ở cõi trần không thể biết được (xin đọc thêm phụ lục).
2. Thời gian - hay thứ tự diễn tiến của sự việc do não bộ ghi nhận - không còn nữa và khi con người hướng về cái tôi tình cảm ngày càng nhiều, sẽ có một chuyện xẩy ra cho tất cả mọi người. Họ tiếp xúc thẳng với linh hồn trong chốc lát. Ấy là bởi linh hồn không thể không chú ý đến giây phút hoàn nguyên, cho dù đó là cá nhân dốt nát nhất và chưa phát triển. Việc gây ảnh hưởng rõ ràng lên linh hồn tựa như sợi dây chuông dài bị kéo mạnh. Trong một tích tắc linh hồn đáp ứng và kết quả là người trong thể tình cảm thấy cuộc đời cũ trải ra trước mặt như tấm bản đồ, kinh nghiệm được trạng thái phi thời gian.
Anh nhìn lại, thấy những bài học của kiếp ấy, rồi kinh nghiệm thứ yếu mờ nhạt phai khỏi ký ức, anh chỉ giữ lại nét chính, nhưng quan trọng hơn hết biết rằng anh đầu thai không phải chỉ vì ý muốn cókinh nghiệm cõi trần, mà còn do sự thúc đẩy của nhóm, và phù hợp với nhân quả nhóm lẫn nhân quả của riêng anh. Điều này cần được nhấn mạnh để khi nắm vững và tìm hiểu, nỗi sợ hãi do ý tưởng chết chóc gây ra sẽ bớt hẳn. Khung cảnh quen thuộc và người mình thương vẫn còn là cái quen thuộc và người mình thương, nhờ mối liên hệ chặt chẽ qua bao lần tái sinh.
3. Anh đi tìm và tự động gặp lại những ai mà cái nhìn ở trên cho thấy là phần tử trong nhóm của anh, dù anh biết hay không biết mình cũng thuộc nhóm ấy. Mối liên hệ được nối lần nữa và nếu họ chưa qua đời, anh sẽ đi tìm những người thương mến và gần gũi nhất, xử sự như khi còn sống, vơ vẩn ở cạnh họ theo thói quen và mức tiến hóa của mình, biết sinh hoạt của họ dù những người ấy không cảm được ý anh. Ta không thể đi sâu vào cách tiếp xúc và chi tiết, vì mỗi người là cá nhân độc đáo riêng rẽ, hoàn cảnh sẽ khác nhau; ta chỉ nêu ra đường lối chung mà người trung bình theo trước khi loại bỏ hai thể tình cảm và trí, và xin bạn đọc thêm chuyện Hành Trình một Linh Hồn đăng trên trang web PST. Dầu vậy, hai điểm sau được thêm vào ở đây:
●Lúc còn trong thể tình cảm, con người sẽ bị lôi cuốn về điều mà anh có tình cảm sâu đậm, hoặc cao thượng, bình thường hay dục vọng thấp kém; đó là người thân trong trường hợp ở trên, còn với người thèm rượu hay những khoái cảm khác, họ sẽ bị nó thu hút và tìm đến quầy rượu hay nguồn phát xuất để thỏa mãn ham muốn. Ham muốn thấp hơn nữa làm con người rơi vào những cảnh chót của cõi tình cảm như tả trong chương Ai Cập của chuyệnVòng Tái Sinh cũng có đăng trên trang web PST.
●Ai có ý tiếp xúc với người thân sẽ tìm cách liên lạc qua người có khả năng thấy hay nghe ở cõi thanh, nếu chính thân nhân không có khả năng hay có làn rung động không hợp. Kết quả có thể không được như ý cho cả ba người liên hệ là người quá vãng, người trung gian và người thân, làm cười ra nước mắt hay gây ra hiểu lầm đáng tiếc. Tác giả Cyril Scott kể chuyện ba người A, B, C theo thứ tự trên. Vì B là cậu bé có thông nhãn clairvoyance, A xuất hiện và nhờ chuyển lời thăm hỏi con ông là C đang dạy B học; C nghe vậy nổi giận đùng đùng thay vì mừng rỡ, trách mắng rằng vong linh không thể là A, vì nếu đúng, tại sao ông không xuất hiện cho chính con ông thấy, mà lại nhờ chuyển qua người trung gian. C không chấp nhận lời giải thích rằng mình không có khả năng cần thiết, và cảm thấy bị tổn thương nặng nề. Mặt khác phim Ghost với Demi Moore trình bầy một kết cục khác tươi đẹp hơn, xin khuyến khích bạn coi lại phim ấy.
Sang bên kia con người biết luật tái sinh quản trị đời sống, và nhận thức trước khi trút bỏ hai thể tình cảm và trí là họ chỉ đang trả qua đoạn đường giữa hai kiếp sống. Câu hỏi đương nhiên ở đây là làm sao người bạn không quay về cõi trần cho người còn sống biết luật ấy là thật. Có nhiều lý do.
– Con người khi bỏ thể xác qua cõi trên thường không thể quay về, họ không có đủ hiểu biết và khả năng hầu sử dụng vật chất, tạo nên thân xác bằng ether để hiện ra ở cõi trần. Chuyện giống như có những sinh vật phải qua thời kỳ ấu trùng dưới nước (một loài bọ) hay trong đất (con ve), sau một thời gian ấu trùng lột xác thành bọ sống trong không hay thành ve sống trên cây, khi ấy trong cơ thể mới con bọ và con ve không sao trở về môi trường cũ vì khôngcó thân xác thích ứng.
– Lý do phụ là người trần không bị thiệt thòi về mặt này. Kinh Tân ước thuật một chuyện tương tự diễn tả ý trên khá rõ, có biết bao sách hiện giờ trình bầy luật luân hồi và nhân quả tuy không phải luôn luôn đúng, có nghĩa con người không thiếu nguồn tài liệu học hỏi hay bạn chỉ dẫn, mà chỉ thiếu lòng khiêm tốn và sáng suốt để chấp nhận chân lý từ những nguồn khác, bởi cao ngạo cho rằng tôn giáo mình là cái duy nhất có chân lý, và khăng khăng cứng lòng gạt bỏ mọi hiểu biết không cùng nguồn.
Trở lại câu chuyện của chúng ta, các hoạt động trên trải dài một khoảng thời gian theo quan điểm ở cõi trần, trong khi thời gian không có cho ai ở cõi tình cảm. Dần dần ảo tưởng yếu đi và con người biết - vì bây giờ cái trí nắm vai chủ động hóa sắc bén - là tới lúc thải bỏ thể tình cảm, trải qua cái chết thứ hai, tương tự như phi hành gia cởi những lớp áo của mình khi trở về trái đất. Ta không đi vào chi tiết về việc trút bỏ hai thể tình cảm và trí, bởi con người ở nhiều trình độ nên không thể giải thích rõ ràng hay chính xác. Nói chung, sách vở ghi rằng sau khi chết con người đi qua cõi tình cảm và ngụ ở đó một thời gian trước khi qua cõi trí. Điều ấy đúng nhưng không áp dụng cho tất cả mọi trường hợp, mà chỉ áp dụng cho đa số người với tình cảm phát triển hơn trí tuệ. Nơi họ hai thể tình cảm và trí trên thực tế là một và được cho tên kama-manas trong sách vở; thể chung ấy có chất liệu cõi tình cảm nhiều hơn cõi trí, khi rời thể xác họ sống với tâm thức thuộc cảnh cao cõi tình cảm và cảnh thấp cõi trí.
Có ba lối tan rà tùy thành phần các thể:
– Người chỉ phát triển hoàn toàn về tình cảm bỏ thể này khi dục vọng lần hồi chết đi, và bởi trí tuệ nẩy nở quá ít, gần như họ không có gì phải làm thêm.
–Người kama-manas bỏ thể tình cảm do sự mong muốn sống đời trí tuệ càng lúc càng mạnh. Họ rút lui dần dần vào thể trí, việc tách khỏi thể tình cảm có thể lâu, chậm rãi hay trong khoảnh khắc. Xong tới việc bỏ thể trí khi Chân nhân thu hút phần tâm thức trong đó về mình.
– Người trí mau lẹ bỏ hai thể này vì ý thức tính hư ảo của chúng và sự hiện hữu của Chân nhân. Anh trở vào Ashram hay Tâm Phụng Sự như mô tả trong Phụ Lục II. Cái chết hoàn tất khi những thể được bỏ lại, linh hồn rút lui về cõi thượng trí và ở đấy chờ lần tái sinh.
Để tóm tắt ta có:
– Ba hạng người tùy sự phát triển tình cảm và trí tuệ.
– Ba cách làm tan rã hai thể tình cảm và trí tùy theo chúng ta thuộc hạng người nào.
– Ba tiến trình từ lúc chết tới lúc tái sinh.
Điểm đáng nói trong suốt tiến trình là Ý MUỐN của linh hồn, ý muốn chấm dứt một giai đoạn biểu lộ.
Điều này quả có ý nghĩa vì đặc tính thứ nhất của linh hồn, cái ý chí, được sử dụng khi linh hồn bắt chước công việc của Thượng Đế nhưng ở mức độ thấp hơn, tức sự biểu lộ (sinh ra ở cõi trần) và khôngbiểu lộ (rút về).
V. Cõi Devachan
Devachan là chữ Tây Tạng, chỉ cảnh cao của cõi trí mà sách vở gọi là thiên đàng hay tây phương cực lạc. Con người vào đây sau các giai đoạn trên, ngụ một thời gian để tiêu hóa kinh nghiệm trong kiếp qua, biến chúng thành khả năng rồi chuẩn bị việc tái sinh. Ý chính là vậy; điều cần nói là thời gian không có ở đây. Thời gian chỉ được ý thức ở cõi trần khi thấy trình tự của sự việc, ở những cõi khác con người tiến đến gần sự sống hơn, do vật chất thanh nhẹ dần khi lên cao và sự sống biểu lộ qua đó dễ dàng hơn, anh trở thành sự sống, nhập một với nó, cảm nhận cái thực tại vĩnh cửu hơn là diễn tiến quá khứ- hiện tại - tương lai. Thiền mang lại ý thức này nên ý trình bầy ở đây sẽ được rõ hơn nếu đọc bằng kinh nghiệm thiền, và mời bạn đọc thêm bài Devachan tìm trong Danh Mục trên trang web PST.
Khi mãn hạn ngơi nghỉ ở Devachan, linh hồn hướng tâm về cõi trần:
– Chuẩn bị việc tái sinh,
– Xướng lên cái nốt thật của mình vào vật chất ba cõi để:
● Tái linh hoạt ba hạt nguyên tử trường tồn, tụ hội vật chất cần thiết để tạo các thể.
● Nhuộm mầu chúng với tính chất và đặc điểm có được qua kinh nghiệm cõi trần.
● Ở cõi ether, xếp đặt vật chất thể sinh lực sao cho bẩy trung tâm lực thành hình, trở nên chỗ tiếp nhận lực,
● Hữu ý đi tìm người sẽ cung cấp hình hài vật chất cho mình, và chờ phút giây tái sinh. Cái cần nhắc là cha mẹ chỉ làm việc duy nhất là hiến tặng xác thân vật chất, cả hai không đóng góp gì khác hơn là cho thân xác với tính chất riêng, bản tính đặc biệt để tiếp xúc với môi trường mà linh hồn đòi hỏi. Tuy vậy, họ cũng có thể cho linh hồn cơ hội tiếp xúc lại với nhóm, khi linh hồn có nhiều kinh nghiệm và mối dây kết hợp đã có trước trong nhóm.
Con người trực diện hai phút này một cách ý thức, và biết mình đang làm gì tùy theo mức tiến hóa của anh.
D. Nghệ Thuật Chết
I. Chuẩn Bị Đường Rút Lui
Có nghệ thuật sống thì cũng có nghệ thuật chết, bởi ai rồi cũng tới lúc rời bỏ xác thân, hiểu biết và chuẩn bị cái chết là điều hợp lý. Lại nữa muốn thắng lòng sợ chết chỉ có cách trình bầy vấn đề một cách khoa học và chỉ dẫn phương pháp chết. Nghệ thuật chếtc ómục đích giúp con người bước sang cuộc đời bên kia một cách êm xuôi, không bỡ ngỡ, giống như trở lại nơi quen thuộc, và như một nghệ thuật, muốn nó hoàn bị ta cần trau dồi thường xuyên. Cộng vào đó là óc hiểu biết rằng tâm thức ở cõi trần ra sao thì tâm thức bên kia giống y như vậy, tức không phải vì qua đời mà một người chợt trở nên thông minh sáng suốt hơn. Dựa trên hai điểm này, nghệ thuật chết gồm các phần sau:
– Tập bước qua thế giới bên kia đầy ý thức vào mỗi tối, và tập bước đúng cách, dùng đúng cửa ngõ để xuất. Lúc sắp ngủ, rút tâm thức vào đầu không để nó vẩn vơ, lang bang, và giữ cho thức tỉnh luôn dến khi bước ra khỏi thể xác qua cõi tình cảm. Thực hành những điều trên một cách đều đặn qua nhiều năm sẽ làm cho phút ly trần hóa dễ dàng, vì người nào biết cách rời bỏ xác thân lúc gần ngủ sẽ có ưu thế hơn người không để ý mảy may tới việc này.
– Học cách tụ vào đầu qua việc tưởng tượng hay tham thiền, qua việc tập trung tư tưởng. Tập sống bằng trí não, quyết định và hành động bằng bộ óc càng thường càng hay trong đời sống hằng ngày. Làm được vậy giúp phần ý thức tụ trên đầu.
– Học cách làm việc bằng con tim thay vì bằng tình cảm khi có việc liên quan đến người khác. Nghe hơi trái nghịch nhưng sự khác biệt là quả tim làm vì đó là chuyện phải làm và làm trong tinh thần xả kỷ vô tư lợi; còn tình cảm làm vì muốn được nổi bật, tán thưởng. Để thực hành, trước mỗi hành động hãy trả lời cho câu hỏi: ta làm việc bởi sự thúc giục của tình cảm, tham vọng và muốn được thương yêu, ngưỡng mộ hay bởi sự thúc giục của linh hồn ? Có ý đúng sẽ khiến trọng tâm trong đời tụ vào huyệt trên tùng thái dương như huyệt tim, huyệt đầu, và do đó lãng quên sức hút của tùng thái dương. Nó sẽ từ từ trở nên yếu kém và màng lưới nơi ấy sẽ mất dần cơ hội bị chọc thủng.
II. Chuẩn Bị Cái Chết
Phật giáo Tây Tạng cất giữ nhiều hiểu biết về cách tâm thức rút lui khỏi thể xác, chẳng hạn giúp nó xẩy ra mau lẹ và trôi chảy bằng phép điểm huyệt, đọc thánh ngữ. Những kiến thức bí truyền đó rồi sẽ được giảng dạy trong tương lai; với công chúng lúc này các đề nghị sau thực hiện được mà không gây nguy hiểm, cho phép người đứng ngoài trợ giúp khiến việc rút kui được thuận lợi.
– Giữ yên lặng trong phòng. Người sặp ra đi thường còn đầy đủ tri thức, họ có vẻ mê nhưng sự thực không hẳn vậy. Trong đại đa số trường hợp, não bộ vẫn còn tỉnh và cảm biết mọi chuyện đang xẩy ra chung quanh, nhưng ý muốn biểu lộ bị tê liệt hoàn toàn, cũng như không còn sức lực cử động. Khung cảnh yên tĩnh có sự cảm thông giúp linh hồn làm chủ tình hình đến phút chót và chuẩn bị mọi việc có thứ tự.
– Nếu muốn áp dụng đặc tính của mầu sắc, mầu cam hợp hơn cả và chỉ được phép dùng trong phòng khi biết chắc người bệnh không thể phục hồi. Mầu cam giúp cho tâm thức trụ ở đầu, cũng như mầu đỏ kích thích tùng thái dương, và mầu lục sinh ra ảnh hưởng trên tim cùng hệ tuần hòan.
– Mai sau, khi con người hiểu biết nhiều hơn về âm thanh sẽ có thể dùng vài loại nhạc, nhưng hiện này chưa có loại nhạc nào trợ giúp cho việc rút lui được dễ dàng. Vào đúng lúc chết, nếu làm ngân vang cái nốt đặc biệt của con người, nó sẽ hòa hợp hai đường năng lực và làm đứt sợi dây sống. Đây là hiểu biết quá nguy hiểm nên chưa được phổ biến sâu rộng mà phải chờ một thời gian nữa. Ta chỉ ghi để rõ đường phát triển trong tương lai của khoa học về sự chết.
Ngoài ra, áp lực trên một số hạch thần kinh và động mạch cũng trợ giúp công việc, khoa học này vốn được giữ gìn cẩn mật ở Tây Tạng. Đè lên tĩnh mạch cổ họng hay vài thần kinh lớn ở đầu, cũng như ở điểm trên hành tủy (medulla oblongata) sinh ra hiệu quảc ó ích. Rồi thì con người sẽ lập một khoa học rõ ràng về cái chết, nhưng chỉ thực hiện được vậy khi công nhận cólinh hồn, và sự biểu lộ của nó qua thân xác được chứng minh một cách khoa học.
– Người trong phòng quanh giường bệnh có thể đọc thánh ngữ Aum dịu nhẹ, theo mức rung động hợp với người sắp ra đi, người sau cũng nên tự mình đọc thánh ngữ trong đầu hay cố gắng niệm. Đức Jesus đã làm việc ấy khi ngài kêu to trên thánh giá rằng ‘Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn trong tay Cha’. Ngày sau, nghi lễ phút qua đời sử dụng thánh ngữ Aum, đọc nhẹ, đều đặn, theo một âm bậc hợp với người hấp hối, nó có thể đi kèm với phép xức dầu như hiện nay được Công giáo áp dụng. Phép ấy có căn bản khoa học huyền bí, làm đóng chặt những nơi mà người đã qua đời có thể dùng để nhập xác trở lại.
– Đầu nằm quay về hướng đông, xếp hai tay tréo và chân cũng vậy. Chỉ nên đốt trầm mà không dùng hương liệu nào khác, vì trầm thuộc cung một mang đặc tính hủy diệt, và linh hồn đang thực hiện việc làm tiên tán hình hài nó tạm cư.
Cái chết trọn vẹn và hoàn toàn xẩy ra khi hai sợi dây sống rút khỏi đầu và tim. Thái độ an nhiên, kính cẩn lúc đó thích hợp hơn là khóc than, níu kéo. Gia đình và thân nhân cần vài giờ để quen với việc người yêu quí đã ra đi, và lo các thủ tục hành chánh; khoảng thời gian này chính yếu là để cho người sống, cho ai còn ở lại mà không phải cho người đã chết. Khi biết chắc là thể xác được còn sức sống, người ta có thể tiến hành việc hỏa thiêu.
III. Lý Do Hỏa Thiêu
Dựa theo huyền bí học, hỏa thiêu cần ích vì hai lý do.
– Cách thức này giúp việc tách rời những thể thanh khỏi thể sinh lực được mau lẹ, thực hiện trong vài giờ thay vì vài ngày.
– Nó cũng là phương tiện rất cần để thanh lọc cõi tình cảm và ngăn chặn khuynh hướng muốn trở lại cõi trần, cái thường quấy rầy linh hồn đang rút lui mà nếu thực hiện được, nó sẽ gây trở ngại lớn lao cho Chân nhân. Khi hỏa táng, lòng ham muốn không còn điểm tụ vì tác dụng chính yếu của lửa là xua đuổi, phân tán không cho dục vọng kết thành hình.
Về mặt vệ sinh, hằng ngàn năm qua trái đất tiếp nhận biết bao nhiêu thân xác bệnh hoạn. Những thể xác chứa đầy mầm bệnh khi đem chôn vào lòng đất làm cái sau nhiễm bệnh theo, mầm bệnh được nuôi dưỡng lâu ngày chẳng những lan tràn nơi người sống mà còn gây ô nhiễm môi sinh. Tình trạng cải thiện được phần nào khi tiến bộ y học chữa được bệnh và thân xác đem chôn đã ít bệnh hơn, nhưng hỏa táng là cách hay nhất để trừ mầm bệnh tận gốc, giúp tinh lọc địa cầu lẫn cõi tình cảm và làm sức khỏe con người khả quan hơn.
Điều chót cần biết là khi nào hỏa táng, và theo những điều kiện gì. Sách vở thường đưa ra một khoảng thời gian cần chờ, bảo rằng thể sinh lực không nên được hỏa táng một cách vội vàng mà phải để nó vẩn vơ mấy ngày. Nhưng đó là chuyện không căn cứ chút nào. Khi linh hồn rút khỏi xác thân, nó cũng đồng thời rút khỏi thể sinh lực, thế nên khi có y chứng xác nhận rõ ràng là chết thực, gia đình có thể hỏa thiêu 12 giờ sau. Thời gian này là để biết chắc người bệnh không phục hồi, nếu thủ tục hành chánh đòi hỏi, hỏa táng có thể thực hiện trong vòng 36 tiếng đồng hồ mà không cần trì hoãn lâu hơn.
Quả đúng là thể sinh lực hay vật vờ một khoảng thời gian lâu nơi thể xác được chôn cất, và thường nó còn tồn tại cho tới khi thể xác được tan rã hoàn toàn; nhưng đó chỉ là cái vỏ còn con người thật đã rút lui từ lâu. Việc ướp xác tại Ai Cập và những nơi khác đã làm cho thể sinh lực tồn tại lâu, có trường hợp hằng trăm năm. Việc càng đúng khi xác ướp là người độc ác lúc sống, thể sinh lực của họ thường bị vong linh xấu hay tà lực chiếm hữu. Đó là nguyên do của tai ương (lời nguyền !) xẩy ra với ai khai quật cổ mộ, mang xác ướp cùng vật trong mồ ra ngoài.
Khi có hỏa thiêu, chẳng những thể xác được tiêu hủy ngay, cát bụi trở về cát bụi mà thể sinh lực cũng mau lẹ tan rã, lửa phân tán và trả nó vào kho sinh lực của vũ trụ, cái mà thể là một phần, khi có hình hài lẫn khi chưa tạo hình. Sự việc sẽ tốt đẹp và vui vẻ hơn khi hỏa thiêu càng lúc càng được chấp nhận. Trong tương lai xã hội sẽ ra luật cấm việc chôn xác vào lòng đất và bắt buộc hỏa thiêu, mang lại sức khỏe cho cả người và môi sinh. Nghĩa trang u buồn, vùng đất bệnh hoạn vể cả thể chất lẫn sinh lực cuối cùng mất hẳn.
E. Ứng Dụng
Cái chết khi nhìn đúng đắn mất đi nét đe dọa, kinh hoàng mà cho cảm giác an tâm, thư thái. Nó thay đổi quan niệm về cuộc đời nói chung và khiến ta nhìn sự sống khác hẳn nói riêng.
Về cuộc đời, ý tưởng về cái chếtcó thể được thay bằng ý về sự sống hằng hữu, mang lại hy vọng, niềm vui và sức mạnh cùng tự do, tự do khỏi vô minh, sợ hãi cái không biết.
Cho con người nói riêng, một ngày không xa lắm ta sẽ ý thức việc mình sắp ra đi, vui vẻ đón nhận và nói giản dị, ‘Giờ tới rồi, lục thu hút của linh hồn dạy rằng tôi phải bỏ thân xác này, hoàn nó về nơi đã lấy’. Khi đó, sinh hoạt đời người được nhìn nhận là diễn ra theo chu kỳ, kể cả cái chết.
Sinh → Hoạt động cõi trần → Tử → Devachan → Tái sinh
và con người sẽ có hai thái độ lúc tuổi già cuối đời.
– Hoặc giảm bớt hoạt động, đứng yên ở chỗ mình đã đạt tới mà không nỗ lực thêm hay khởi sự việc làm mới. Đây là thái độ không có gì đáng trách và hoàn toàn đúng đắn, vì theo quan điểm của linh hồn, thêm hay bớt vài năm tương đối không quan hệ so với cái nhìn vĩnh cửu của nó. Ta cũng chớ quên rằng vào lúc cao tuổi, thân xác đã mệt mỏi nên không muốn gắng sức thêm hay làm điều gì mới mẻ.
– Hoặc tiếp tục công việc cho tới này sang cuộc đời bên kia, không gây một khoảng cách nào, và như vậy không gián đoạn sinh lực thường vẫn qua anh tuôn tràn đến thế giới. Với thể xác ngày càng lớn tuổi và yếu kém dần, con người càng phải tập trung nỗ lực nhiều hơn trong việc sống, mà duy trì cái nhịp bình thường khiến đời sống hóa căng thẳng hơn. Tuy nhiên một khi đã thấy mục tiêu thì công việc nên đều đặn tiếp tục , không nên bị gián đoạn lúc cuối đời hay mất hẳn. Sự liền lạc tâm thức cho tới phút sang cuộc đời bên kia là điều người đã biết về ý nghĩa cái chết nên lưu ý.
Mai sau, quan niệm về cái chết sẽ thay đổi sâu xa khi nhãn quan ở cõi vô hình được phát triển; quan sát cõi ether người ta sẽ nhận thấy rằng:
– Con người có thể sinh lực và sinh hoạt bằng thể ấy khi mất thân xác vật chất, lúc đó cái chết hay việc bỏ thể xác được coi là sự giải thoát thay vì mất mát đau buồn.
– Quan trọng hơn nữa, con người vẫn còn sống, tỉnh thức và hiểu biết ở cõi bên kia sau khi bỏ xác.
Nhìn về mặt vũ trụ, cái chết là hiện tượng chung cho mọi sự biểu lộ, nó phá bỏ hình thể và giải thoáttinh thần bên trong. Về mặt con người, cái chết là sự rút về ý chí muốn sống của linh hồn, chấm dứt sự hiện hữu ở cõi trần và trụ tâm thức vào nơi khác. Mục đích mỗi cuộc đời thường là việc thực hiện một chuyện rõ rệt, nói chung đó là sự phát triển hình thể thích hợp cho linh hồn sử dụng cùng thâu thập kinh nghiệm, khi điều ấy thành tựu, sự sống bên trong không còn ước vọng gì khác, Chân nhân không còn quan tâm đến các thể nữa mà hướng sự chú ý của nó vào bên trong , bỏ lại thể xác, hình thể tan rã vì đã làm xong phần việc của mình. Biết như vậy làm con người sống đời có ý nghĩa hơn, nó cũng đưa ra một đích xứng đáng cho ta nỗ lực gắng công, và cho cả nhân loại sự thành đạt sẽ nhiều hơn trước bởi con người chịu cố sức hơn.
Lại nữa học về cái chết tạo nên thái độ mới về sự sinh và sự tử, ta nhìn tương lai với các hy vọng sau:
● Sẽ tới một ngày thời điểm ra đi thành chung cuộc đắc thắng của sự sống thay vì là ân hận buồn rầu.
●Ngày đó, những giờ chót trên giường bệnh là phút mở đầu vinh quang của việc rút lui có ý thức.
●Việc sắp trút bỏ cái thể xác bó buộc có thể là dịp vui hằng chờ đợi. Thay vì nước mắt, lòng sợ hãi cùng từ chối không chịu nhận cái không thể tránh được, người sắp chết và bằng hữu sẽ cùng đồng ý về ngày giờ, và việc không gì khác hơn nỗi hân hoan mừng rỡ.
●Người ở lại không có cám giác buồn rầu mà cảnh qua đời sẽ được coi là cơ hội đáng vui, vui hơn cả việc sinh nở và cưới hỏi; người thân còn ở lại sẽ được chăm sóc để không mất dây liên hệ và phí phạm năng lực do xúc động. Chẳng bao lâu những ai sống nhiều về lý trí, biết suy nghĩ sẽ phản ứng giống vậy rồi dần dần mọi người tới được mức ấy.
Cần nhắc lại là cái chết xẩy ra dưới sự chỉ huy của Chân nhân cho dù con người không hay biết. Vào giai đoạn cuối của một đời, linh hồn chủ ý thu hút tâm thức trong ba cõi trở về, sức thu hút ấy mạnh đến mức thắng được sức thu hút có sẵn trong vật chất. Trong đa số trường hợp khi con người không tiếp xúc với Chân nhân, cái chết xẩy đến bất ngờ. Dầu vậy, nó thực sự là tác động của Chân nhân, có dự tính và không phải là chuyện may hay không may (bị chết), tình cờ, vô nghĩa.
Ta nói qua về tự tử một chút ở đây. Mọi tôn giáo đều ngăn cấm việc này vì lý do là hành động không giải quyết được tìnhtrạng. Sự việc vẫn còn đó không mất đi, và con người phải đối đầu lần nữa với chúng khi tái sinh, mà không chừng hoàn cảnh trong đời sống mới không thuận lợi bằng, khiến cho việc giải quyết thành khó khăn hơn. Do đó về mặt thuần lý mà nói thì tự tử không có lợi, ít nhất là về lâu về dài ! Việc nan giải mà ta muốn trốn tránh bằng cách tự tử chỉ bị đình hoãn, nằm đó chờ được giải quyết trọn vẹn trong một kiếp mai sau.
Tiếp đó thời hạn sống ở cõi trần đã ấn định khi tái sinh, tự tử là rút lui trước kỳ hạn nên người tự tử không theo tiến trình đã nói sau khi chết; thay vì trút bỏ thể tình cảm, họ phải tiếp tục sống ở cõi tình cảm khoảng thời gian đáng lẽ sống ở cõi trần nếu không tự tử. Ở đó họ sẽ ý thức rằng tự tử luôn luôn là một sai lầm, dù vượt ra khỏi ảnh hưởng của cõi trần họ vẫn không thoát khỏi những ràng buộc cá nhân, thí dụ người ghiền ma túy sẽ cảm thấy bị thuốc hành nhiều hơn là khi còn trong xác thân. Người bạn cũng biết hành động của mình vô ích và thấu rõ ảnh hưởng của nó đối với người thân. Tâm thức của anh bị giới hạn vào những cảnh thấp của cõi tình cảm, lời của Chân nhân xuống đến với anh một cách khó khăn. Ta có thể giúp người như vậy bằng lời cầu nguyện cho anh có được giác ngộ nội tâm, vì chỉ nhờ vậy tâm trí anh mới được nâng cao, và thoát khỏi đêm tối của tâm hồn mà anh đang bị chìm đắm trong đó. Hãy cầu nguyện ‘Xin cho trí anh ý thức được Chân nhân và nhờ đó được giác ngộ’.
Chót hết, tự tử vì lý tưởng cao cả như trường hợp Hoàng Diệu, Ngô Tùng Châu, Võ Tánh không nằm trong loại trên, bởi mục đích chuyện trước là ích kỷ, chuyện sau hoàn toàn xả kỷ nên không mang lại hậu quả vừa trình bầy.
Những hiểu biết này khiến ta có thái độ lành mạnh hơn với cái chết, biết rằng sự việc là cửa vào đời sống mới, cho thấy đời sống bên kia là tiếp tục của cuộc sống bên này, việc qua đời không có gì đáng sợ, và ta có thể chủ động tới phút cuối.
Sự thực làm con người được tự do, bởi những điều này đáng biết, đáng học hỏi, chúng ta sẽ giúp người chung quanh thay đổi quan niệm về cái chết, làm thế giới vui tươi hơn khi trình bầy sự thực và hơn hết thẩy, có thái độ hiểu biết với chuyện mà ai rồi cũng phải làm.
Phụ Lục
I. Phút Chuyển Tiếp
Lời mô tả dưới đây của một nhân chứng cho thấy con người có thể nhìn cái chết theo góc cạnh khác hẳn, phản ứng của ta sẽ thay đổi vào giao điểm quan trọng này, cũng như ta sẽ ý thức lá việc níu kéo của người sống cần được nghĩ lại. Nhân chứng thuật rằng:
‘Tôi chợt chú ý đến một vật ngay phía trên thân xác, nằm lơ lửng chừng 60 cm trong không bên trên chiếc giường. Mới đầu tôi không nhận ra gì khác hơn là đường nét mơ hồi của một chất mờ đục như sương, tụ lại bất động. Nhưng trong lúc tôi nhìn, chất hơi lạ lùng ấy đặc dần, hóa cứng chắc hơn. Rồi tôi kinh ngạc thấy rõ thành nét, lộ ra hình người.
‘Chẳng bao lâu tôi thấy cái hình giống như thể xác bà cô tôi; đó là thể tình cảm đang lửng lơ nằm ngang phía trên thân xác khoảng hơn 1 m, bây giờ nó có đường nét trọn vẹn, thấy hết mặt mũi. Nó rất giống gương mặt thể xác chỉ trừ một điều là nó tràn ngập nét thư thái, sáng rỡ đầy sức sống thay vì vẻ đau đớn, già mua. Mắt nhắm nghiền như đang ngủ êm đềm, dường như có ánh sáng từ thể phát ra.
‘Trong lúc đang nhìn thể thanh ấy, tôi bỗng chú ý đến một chất mầu bạc tuôn từ đầu thể xác sang đầu thể tình cảm, và nhận ra đó là sợi dây nối liền hai thể. Óc tôi nhớ đến chữ ‘sợi dây bạc’, đây là lần đầu tiên tôi chợt hiểu nghĩa chữ này, nó có thể so sánh như sợi dây rốn nối con với mẹ.
‘Sợi dây dính vào chỗ nhô ra của xương chẩm ngay dưới đáy sọ. Vừa đụng tới thể xác nó tỏa ra theo hình rẽ quạt thành những nhánh riêng biệt, dính riêng rẽ vào đáy dọ. Trừ nơi ấy sợi dây nói chung hình tròn, đường kính chừng 2,5 cm, trong suốt lấp lánh ánh bạc.
‘Nó như đầy sức sống, rung động với năng lực. Tôi thấy được nhịp đập của dòng ánh sáng chảy dọc theo dây từ thân xác qua thể tình cảm. Với mỗi nhịp đập thể sau trở nên sống động và đậm đặc hơn, còn thể xác lặng xuống dần và gần như không còn sức sống nữa. Tới lúc này nét mặt hóa rõ ràng hết sức, sự sống đã chuyển hết qua thể tình cảm, nhịp rung động của dây đã ngưng hoàn toàn.
‘Tôi nhìn vào những nhánh riêng biệt của dây tỏa theo hình cánh quạt ở đáy sọ. Từng sợi đứt bung, bào hiệu phút chót đã gần kề. Hai tiến trình song đôi là sự sinh và sự tử sắp diễn ra. Nhánh chót của sợi dây bạc’ đứt tung và thể tình cảm tách rời hẳn.
‘Giây phút hồi hộp nhất là khi thể này đang nằm bỗng từ từ ngồi dậy. Đôi mắt nhắm mở ra và gương mặt rạng rỡ nở một nụ cười. Cô cười chào từ giã tôi rồi biến mất.’
Theo Kenneth Ring
(Life at Death)
II. Đời Sống Bên Kia
Chúng ta đã giải thích về cái chết và những chuẩn bị nên làm cho việc ra đi. Để hiểu biết được trọn vẹn, ta sẽ theo dõi đời sống bên kia của ba linh hồn vừa rời trần, trích từ The Science of Seership. Ông Geoffrey Hodson dùng thông nhãn quan sát sinh hoạt của ba người này, hoặc quan sát trực tiếp lúc ông thức tỉnh hoàn toàn (mà không mê man như Edgar Cayce hay một số đồng cốt), hoặc tiếp xúc giữa ông với người đã khuất không qua trung gian, và đo đó cũng khác biệt với thuật đồng cốt vì chính xác hơn.
Trường hợp I
Đây là một linh hồn trẻ về mặt tâm linh, nhiều kiếp trước em sinh ở vùng núi đồi hoang dã, điều ấy làm nẩy nở tình yêu thiên nhiên, mà đồng thời cũng phát triển mạnh mẽ những bản năng và giác quan của loài vật. Kết quả là phần trí cụ thể mở mang dưới mức bình thường, gần như không được trau luyện. Tình cảm cũng phát triển như là si mê của thú tính mà linh hồn chưa quen điều khiển, tuy vậy vẫn có nét khả ái và thanh cao do cố gắng của linh hồn, nhằm chữa lại phần nào sự lệch lạc trên.
Trong kiếp này, em đau một thời gian rồi qua đời năm 12 tuổi. Vài năm trước linh hồn ý thức rằng thể xác đau ốm do nhân quả xưa, sẽ khiến sự biểu lộ của linh hồn qua xác thân càng lúc càng khó khăn hơn, cũng như không thể tăng trưởng. Vì tình cảm không bị bệnh tật làm giới hạn, linh hồn bèn đặt trọng tâm vào sự phát triển của tình cảm, do vậy em ý thức nhiều về cõi tình cảm hơn là cõi trần. Tâm thức ở cõi tình cảm rất sống động lúc ngủ và trong tuần lễ cuối trước khi mất, linh hồn chuyển dần tâm thức từ cõi trần sang cõi tình cảm.
Khi cái chết xẩy ra, gần như là em không bị rúng động chút nào, không chút ý thức là có sự đổi thay. Em ngủ một giấc ngắn khi sợi đây sống đứt lìa, rồi tiếp tục sinh hoạt bằng thể tình cảm như em vẫn thường làm trong giấc ngủ lúc còn sống. Do khuynh hướng đã nói, em lưu lại ở vùng ta gọi là thiên đàng, chung quanh là sự đẹp đẽ của núi non thung lũng với hoa dại đủ mầu.
Tâm thức của em đã thay đổi đáng kể. Có lúc em buồn rầu chán nản, mong được gần gũi người thân. Em thấy gia đình và cảnh nhà rõ ràng mà không thể làm mọi người biết là em đang ở cạnh họ dù cố gắng nhiều lần. Chuyện không may là một hôm khi về thăm, em thấy mẹ đau đớn khóc than về nỗi chia ly, nó gây xúc động mạnh mẽ khiến em hóa u sầu mấy ngày. Tuy vậy cảnh sống mới của em rực rỡ và đầy vui thú, so với nỗi đau khổ do chia lìa và bệnh tật lúc còn sống. Em hân hoan thưởng ngoạn thiên nhiên, vẻ trong sáng của đất trời, và sự tự do nhẩy nhót khác hẳn với xác thân trói buộc.
Ở miền đất hạnh phúc đó, thỉnh thoảng ba mẹ tới chơi với em trong lúc họ ngủ, nhưng họ mặc toàn quần áo mầu đen -biểu tượng cho thấy còn sầu não và chưa hiểu biết rằng cái chết thực ra là cửa vào đời sống mới, vào một cảnh đời cao và tốt đẹp hơn -, và phải mất một thời gian dài ba mẹ mới hết thương tâm. Cùng với ba mẹ, anh chị em trong nhà cũng có mặt nhưng họ vui vẻ hơn và đo đó (xin coi phần A dưới đây) dễ dàng bước vào cảnh sống mới của em.
Xét về một khía cạnh, đời vừa rồi của em có lắm đau khổ, y như một cơn ác mộng. Ngoài bệnh tật hành hạ xác thân, bản tính em yêu thiên nhiên, hoa cỏ, chim cá mà lại sinh trong khu xóm chật chội, thế nên có cảm giác nhẹ nhõm vô cùng khi được giải thoát từ bỏ xác thân, và bởi nhân quả được trang trải, cuộc đời mới của em sẽ có nhiều tiến bộ. Xem ra em không nhớ chút gì về bệnh tật vừa rồi, tuy thỉnh thoảng còn thói quen thấy nặng đầu và mệt óc. Nó hoàn toàn là ảo giác và sẽ dần dần mất hẳn khi ký ức phai mờ, thể tình cảm cũng từ từ mất đi dấu vết bệnh tật mà thay thế bằng vật chất lành lặn.
Nói chung đời sống lúc này của em thật vui vẻ, hạnh phúc, em có bạn nô đùa mà một số đã quen trước đó trong giấc ngủ, bởi vậy em không thấy cô đơn chút nào. Khi ba mẹ bớt phiền não và nhận thức được sự giải thoát đáng mừng cùng đời sống đẹp đẽ hiện giờ của con, họ sẽ có thể tới gần em hơn (A), và nhờ vậy hỗ trợ cùng giúp ích cho em nhiều điều trong đời sống mới, những điều mà chỉ bậc cha mẹ mới có thể làm. Khi chuyện được như vậy trọn gia đình sẽ đoàn tụ, chỉ khác biệt là cả nhà quây quần ban đêm khi ngủ thay vì ban ngày.
Việc đáng lưu ý là trong vùng em ở có nhiều tinh linh và thiên thần, em thấy và trò chuyện với chúng, rồi lại kết bạn với một số dân cư của thế giới thần tiên (xin đọc Thế Giới Thiên Thần). Lời cầu nguyện thiết tha của ba mẹ cũng bao trùm em bằng những hình tư tưởng xinh đẹp, tựa như thiên thần trong tranh vẽ. Một đôi khi thiên thần hàng cao nhập vào hình tư tưởng đó, khiến nó linh động hơn làm cho lời cầu nguyện mạnh thêm bội phần.
Dù có nhiều bạn chung quanh, em dành phần lớn thì giờ thơ thẩn một mình, hay đi dọc theo bờ suối, hái hoa, ngửi nó, nhìn thật kỹ để khám phá sự tạo hình của hoa; em dùng bản tính ưa thiên nhiên của mình để tìm hiểu cơ chế làm hoa tăng trưởng. Có lúc em nằm trong đồng nắng dọi, cỏ lấm tấm sương, hát khẽ và ngắm mây trắng lướt trên trời xanh. Những phút ấy trong khung cảnh hoang dã thân thuộc lảm em có được hạnh phúc tuyệt vời, và khi ngày tháng trôi, sự đau đớn do phân ly gây ra mắt hẳn, hạnh phúc ấy sẽ thành chuyện thường nhật đối với em trong nhiều năm. Sau đó bởi linh hồn phát triển về một số mặt, có hy vọng cho thấy khi tái sinh trong tương lai gần, em sẽ gặp được nhiều hoàn cảnh thuận lợi hơn kiếp vừa xong.
Trường Hợp II
Mục sư là người học rộng, thiên về chuyện tinh thần, chết trẻ do bệnh lao. Ông tả:
‘Phải mất hai ngày tôi mới biết chuyện gì xẩy ra. Việc đầu tiên tôi biết là có ánh sáng rực rỡ tràn đầy, như bất chợt tỉnh giấc trong ánh chói lọi khác thường của mặt trời, nhưng ngay cả lúc ấy tôi vẫn chưa rõ việc gì đã trải qua. Một số người lạ đứng chung quanh và khung cảnh cũng lạ lùng. Sau một lúc ngắn họ cho tôi hay sự thật rồi khi ý thức rõ ràng, tôi thất vọng hết sức, bởi đã mong thực hiện nhiều điều nơi cõi trần. Nhưng bây giờ cảm nghĩ ấy mất rồi, vì tôi vẫn là mục sư chăm sóc địa phận lớn hơn khi trước, giáo dân đông hơn số tôi ước ao và cơ hội phụng sự lối mới cũng mở ra. Tôi đang chuẩn bị mộtviệc làm vĩ đại hơn nữa, đầy hứa hẹn to tát.
‘Sự khác biệt giữa hai cảnh đời không nhiều như tôi đã tưởng. Thật ra nếu không kể việc mất xác thân thi khung cảnh không xa lạ, chuyện thay đổi đáng chú ý nhất là trí tuệ, nó cảm nhận mạnh mẽ sự tự do rộng rãi và khả năng hoạt động, cái quyền năng thực hiện đượctư tưởng và lý tưởng, sự hiểu biết vô cùng rộng rãi về đủ ngành có sẵn ở chỗ này. Cái gì học trên trái đất một tuần mới xong thì ở đây chỉ mất một giờ. Chuyện tham thiền và cầu nguyện trở thành rất khoa học và cho kết quả thấy liền.
‘Bạn cũ nhận ra ngay mà không sao lầm được. Thường thường người đầu tiên mình gặp là thân nhân đã mất trước kia. Họ biết ngày giờ chúng ta rời bỏ cõi trần nên chờ sẵn để tiếp đón và chào mừng kẻ mới qua. Nỗi vui mừng trong những phút gặp gỡ đó thật lớn lao, có mục đích làm cái trí quên sự đau đớn bị chia lìa. Kế đó chúng ta được dẫn tới một nơi yên tĩnh để tập thích ứng với hoàn cảnh mới. Sau khi tỉnh dậy, chừng 14 tiếng từ lúc tôi rời bỏ xác thân mà không biết, tôi gặp vài người trong đó có ba tôi. Những người chào mừng kẻ mới tới không bắt buộc phải là người đã khuất, bới rất thường khi họ vẫn còn sống ở cõi trần. Nhiều người đang theo học trường mà hiện giờ tôi làm việc vẫn còn xác thân, họ tới gặp chúng tôi trong lúc ngủ để được chỉ dẫn về nhữngviệc họ sẽ làm trên địa cầu.
‘Nói riêng về tôi, tôi làm việc với người sống nhiều hơn là với người chết, dù vài nhóm gồm toàn người đã qua đời. Công việc này thật to tát mà người có kinh nghiệm thì không đông. Chúng tôi dạy bằng cách thuyết trình, chứng minh và tạo hình tư tưởng. Rất thường khi cả bọn đến thăm nơi chúng tôi đang học, với mục đích là cho phép họ nắm ý tưởng rằng lịch sử về chuyện đã qua, cũng như các biến cố hiện tại là thành phần của một khối chung, và tất cả những biến cố của giống dân xưa, đóng một vai trò trong việc sinh ra những điều kiện bây giờ, có nghĩa tình trạng hiện thời chỉ hiểu được khi ta nhìn theo khía cạnh ấy. Khuynh hướng của người sống là học hỏi quá khứ và tiến trình của những nước khác một cách thờ ơ, rời rạc, trong khi muốn thấu đáo phải xem mọi việc như là một khối.
‘Thành ra ý tưởng về tính duy nhất của sự sống được áp dụng vào luật chu kỳ, làm cho những vấn đề của hôm nay được nhận ra như là sự tái lại của quá khứ trên một mức cao hơn, và được giải quyết theo lối nhìn đó. Lúc này hai môn học chính của tôi là sử và xã hội học, trên thực tế chúng bao trùm mọi ngành học trước của tôi và được nghiên cứu bằng phương pháp rộng hơn, trọn vẹn hơn là cách thông thường trên địa cầu. Ở đây tôi giảng bài, chứng nghiệm, tổ chức học nhóm cùng huấn luyện người.
‘Bản chất và phương pháp các môn học của chúng tôi rất khác biệt so với người còn sống. Lấy thí dụ khi học về thảo mộc, chúng tôi có thể quan sát tiến trình của thiên nhiên, ngắm sinh lực đang lên từ rễ hay hột và theo dõi sinh hoạt của cây trong suốt đời nó, chiêm nghiệm sự thành hình của tế bào và mô.
‘Nhận ra người quen chỗ này không tùy thuộc vào việc đã quen mặt người đó khi xưa. Có một cách cho phép con người nhận ra bạn tức thì,bất kể hình dạng đã thay đổi ra sao. Ấy là sự nhận biết giữa hai linh hồn với nhau mà không diễn tả cách thức được. Tôi gặp hết những bạn bè cũ đã mất và thỉnh thoảng họp mặt, nhưng càng lúc tôi càng mê say việc làm gần như khôngcó giờ rảnh. Khi đắm chìm vào công tác, tôi thấy mình tràn ngập một niềm vui rộn ràng và thật bén nhậy chuyện tâm linh, làm như phần thiêng liêng thấm khắp cả người. Đây là trạng thái mà ít khi tôicóđược lúc sống.
‘Tôi ở gần những người thân còn sống nhiều nhất vào lúc tham thiền hay cầu nguyện. Bạn hãy tin chắc là ai còn sống mà khoe khoang đã gặp hay tiếp xúc với tôi đều nói bậy. Cảnh sống chúng tôi đang ở khác xa chuyện đồng cốt, hiện hình, chọc phá, ngay cả việc nghiên cứu phần vật chất cũng được tinh thần hóa cao độ, và động lực học hỏi được tinh lọc hoàn toàn, không còn ý trục lợi nào. Như thế bạn có thể tưởng tượng phần nào bầu không khí lý tưởng tuyệt vời nơi đây.
‘Nơi học tập khôngphải là trường đại học hay cao đẳng, nó là một thái độ, một tâm thức hơn là một tòa nhà, tuy ai học ở đây cũng cảm thấy mình tách biệt với sự lôi cuốn bên ngoài, như đang ngồi trong lớp trên mặt đất. Lẽ tự nhiên chỗ học có nơi chốn rõ ràng để sinh viên tụ lại học hỏi. Luật chung là cái trí càng xa những chuyện nặng nề vật chất bao nhiêu, người ta càng vượt khỏi ảnh hưởng của địa cầu bấy nhiêu. Ai tệ nhất sống ngay trên mặt đất và dưới đó một chút, người trung bình sống cách mặt đất một khoảng trên cao, không tiếp xúc trực tiếp với những chuyện trên địa cầu.
Chúng tôi làm việc và sống trong bầu không khi tinh sạch ở mức độ cao hơn nữa, thành ra không bị xáo trộn do rung động thô lậu, lỗi nhịp của thế giới vật chất do sự quay cuồng tranh sống. Đó là cái khó khăn lớn nhất mà bởi thoát được, chúng tôi có thể theo đuổi việc nghiên cứu trong sự bình an người trần không sao có.
Trường Hợp III
Người trong chuyện sau là tín đồ phái Quaker, chết vì bệnh tim. Ông đã học hỏi nhiều về Minh Triết Thiêng Liêng và giàu lòng phụng sự. Vài tuần sau khi qua đời, ông kể:
‘Mấy ngày trước khi bỏ xác rồi từ lúc chết, tôi được bao phủ trong một vầng sáng rộng lớn, giống như vầng mây rực lửa, nó ngăn không cho tôi ó cảm xúc về thân thể ngay trước và trong khi qua đời, rồi khiến tôi sống trong trạng thái ngất ngây vui sướng luôn ba ngày sau. Vợ con gặp tôi trong đám mây ấy mỗi tối lúc họ ngủ, và chúng tôi hưởng sự hoan lạc không sao quên được.
‘Chân Sư cũng có mặt. ngài chói sáng rực rỡ còn hơn nữa, ngài trợ lực và nâng đỡ tôi. Bây giờ từ trong ra ngoài tôi vẫn còn bừng sáng nhờ ngọn lửa thiêng mà tôi được thấm tràn, có vẻ như nó rọi tít mãi lên cao và xuyên thấu dưới đất. Tôi đi thì nó cũng đi theo, tôi không thấy được chuyện bên ngoài nhưng thấy được nhiều bên trong vầng sáng. Đời sống ở đây thật hạnh phúc, vui sướng không tả nổi.
‘Lúc này tôi vẫn chưa yên chỗ, phải từ từ làm quen với mọi việc kỳ diệu nơi đây, và với chuyện tôi đã bỏ cõi trần không chút đau đớn sợ hãi. Người tôi tràn đầy sự sống, làm như một nguồn cung cấp chảy xuyên qua tôi không bao giờ cạn. So với nó cõi trần rất đỗi nghèo nàn làm tôi mong ai cũng lên chỗ tôi đang ở. Từ chỗ này thấy rõ là phần số ai ai cũng được hướng dẫn, mọi lo âu của chúng ta không cần thiết chút nào. Với người tốt lành, mọi chuyện sẽ trở nên thuận thảo nếu họ làm tròn bổn phận mình, và giao phó tương lai choThượng Đế. Bạn không thấy Thượng Đế ở đây, nhưng biết rằng ngài không ngừng làm việc. Bạn chỉ thấy và cảm được hậu quả, rồi hiểu ra nguyên nhân.
‘Chỗ nào cũng có ảnh hưởng của các Chân Sư. Bạn nhận ra sự hiện diện các ngài đằng sau những phong trào lành đẹp, điều động chúng mà không lộ diện. Có nhiều Chân Sư ở đây hơn ở cõi trần, tôi đã vào một nhóm có vài Chân Sư hướng dẫn. Nhờ bạn nói với bà nhà tôi rằng đấng mà hai chúng tôi sùng kính là đấng mà tôi với bà cùng học chung.
‘Tôi thấy mình thanh thoát quá tới nỗi ảnh hưởng của trái đất có khi tiếp xúc với bạn làm tôi chịu không được. Không ai ở cõi trần biết sự sống là gì, cái đó không thể biết được bao lâu ta còn xác thân, tôi có cảm giác là mình như cái bong bóng luôn luôn nổi trên mặt, và chỉ bị giữ lại trong nước do ý chí thôi. Nhà tôi ban đêm cũng ‘trồi’ lên mặt nước còn Chân nhân của bà vẫn hằng ở đây. Rốt cuộc chúng tôi lại có nhau, Chân nhân của vợ tôi và Chân nhân của tôi tiếp tục ở bên nhau.
‘Chẳng bao lâu nữa các con tôi sẽ được chứng kiến việc đức Di Lặc (đức Chúa) tái hiện. Nơi đây đang chuẩn bị việc ấy, giống như thành phố to lớn được cọ rửa, dọn dẹp chờ vua tới. Vẻ mỹ lệ, mầu
nhiệm của các Chân Sư và của đức Di Lặc vượt xa óc tưởng tượng con người, còn sự bình an của các ngài tri thức ta không sao đo được. Hết thẩy Chân Sư cùng họp thành một khối duy nhất sửa soạn việc ngài xuống trần, nên chuyện này sẽ là một biến cố lớn lao hơn hết so với những gì đã xẩy ra. Ngài sẽ mang lại thiên đàng dưới thế và một cảnh sống mới cho biết bao người.
‘Một trong những chuyện tôi thấy lạ lùng nhất là thế giới thần tiên ở đây. Chúng đông như sao trên trời, trò chuyện với nhau bằng mầu sắc của hào quang. Sự hiện diện của một đại thiên thần khiến mọi vật mờ hẳn, làm như ngài che rợp một góc trời.
Một tháng sau ông trở lại nữa, và tôi có dịp nói chuyện thêm. Trong lần đầu ông còn chịu ảnh hưởng của nỗi ngất ngây hạnh phúc khi rời bỏ xác thân, người tràn đầy năng lực tinh thần, thanh thoát tới mức sắc diện biến đổi khác thường. Lần này ông kềm chế được nội lực làm cho vẻ nhẹ nhàng, lòng trầm tĩnh vốn là đặc tính của ông nơi cõi trần giờ được biểu lộ rõ rệt.
Chúng tôi biết ông đến khi căn phòng có sự rung động êm dịu, rồi một tình thân ái lặng lẽ tỏa khắp phòng, giống như ông rút vào bên trong mình, hoàn toàn thoát khỏi giới hạn của cõi trần và những cảnh giới thấp của cõi bên kia. Hình dạng ông giống như lúc còn sống, quần áo cũng xanh đậm, gương mặt sáng rỡ đầy hạnh phúc, thư thái, không chút lo âu mà có lẫn nét xác quyết vượt khỏi giới hạn của xác thân, ngay cả lúc ông sung sướng nhất ở cõi trần cũng không được vậy. Ông còn trở lại hạ giới là chỉ để thăm vợ con, mà sự tiếp xúc ấy cũng không sâu; mối liên kết thực sự xẩy ra ở cõi tâm thức Chân nhân ngụ thay vì là sự biểu lộ tình cảm. Người ta cảm được sự hiện diện của ông nhờ trí tuệ thay vì cảm do áp lực thần bí nào. Điều này sẽ càng lúc càng mạnh bởi xem ra ông đang muốn đi vào nội tâm sâu hơn nữa. Ông bảo.
‘Gần như đêm nào tôi cũng về chơi với các con. Vợ tôi thường tới gặp tuy không phải lúc nào cũng có mặt, vì bà có nhiều chuyện phải làm. Ở chỗ này bà có hình dạng khác hẳn, tới nỗi khó thể nhận ra chính mình. Thân xác biến đổi con người nhiều hơn tôi tưởng, bộ óc do di truyền làm thay đổi cá tính, sinh ra hầu hết những giới hạn trong người. Bà nhà tôi làm phần lớn công việc tâm linh vào ban đêm, bà thuộc về một trong các nhóm tham thiền và học hỏi ở cõi này, người trong nhóm họp mặt trước khi bắt đầu công tác mỗi đêm, cùng lúc ấy con trẻ tụ lại gần đó cùng nhau chơi giỡn…
‘… Khi qua đời không phải chỉ có thân xác biến đổi, mà cái trí thay đổi nhiều hơn nữa, giống như được phóng thích khỏi nhà tù. Người ta dễ dàng ý thức hai ba chỗ cùng một lúc, và cũng không cần phải di chuyển nhiều nếu ở chỗ của tôi.
‘Tư tưởng của Chân Sư tựa như luồng sáng rộng, bên trong luồng sáng ấy những người phụng sự làm việc, nhìn công chuyện theo quan điểm của ngài và thi hành ý muốn của Chân Sư. Dù bị giới hạn bên ngoài, họtăng trưởng về nhiều mặt bên trong , bao lâu chúng ta hòa ý riêng vào ý của ngài thì chúng ta nằm trong ánh sáng ấy, còn khi nghĩ tới mình thì làm như chúng ta bước ra ngoài luồng sáng. Tuy tư tưởng của ngài rải trên một chu vi khổng lồ, sự chú tâm của ngài vào mọi phần trong đó thật sống động và mạnh mẽ vượt xa hẳn khả năng con người, chuyện ấy giải thích phần nào quyền năng kỳ lạ của các Chân Sư. Nét sống động của tâm thức là một đặc điểm nổi bật nơi các ngài, những ai làm việc cho Chân Sư cũng chia sẻ phần nào đặc điểm ấy.
‘Hồi trước tôi không rõ là tâm thức ngài hướng đến chúng ta sâu như thế nào, giờ bạn hãy tin tôi đi, các ngài biết hết sức tường tận mỗi ai trong chúng ta muốn phụng sự ngài. Các Chân Sư lo lắng cho chúng ta, dù còn sống hay đã qua đời, với một tình vừa của cha vừa của mẹ vượt khọi tầm tri thức của ta. Tôi vẫn luôn luôn nghĩ mình được dìu dắt, nhưng bây giờ tôi thấy rõ mình được chăm lo nhiều hơn đã tưởng, thành ra ai yêu thương các ngài không phải lo sợ chút gì về đời sống mình trong lúc sống. Chân Sư biết hết những ai phụng sự ngài dù con số lên tới mấy ngàn trải qua bao thế kỷ. Một trong các ngài có trường ở cõi bên này, do ngài và các đệ tử dạy dỗ, nhiều người học ở đây và nó giúp họ có hứng khởi trong ngành của họ.
‘Hoan Lạc cũng như Từ Ái là nét chính của mọi sự sống. Ái lực giữa các linh hồn mạnh tới nỗi tôi nghĩ, ở đâu đó trên cao phải là sự duy nhất của mọi linh hồn. Một số linh hồn gần nhau tới mức như thể chúng phát sinh từ một đơn vị tinh thần chung.
…
Dựa vào những quan sát trên chúng ta có thể đi tới một số nhận xét sau:
A. Đặc tính của cõi Devachan là sự hoan lạc và hòa đồng. Linh hồn ngơi nghỉ ở đây giữa hai kiếp sống, và sự hoan lạc là kết quả của những tình cảm thanh bai, ý tưởng đẹp đẽ được nuôi dưỡng trong lúc sống. Nói khác đi, tình cảm thấp hèn hay tư tưởng cùng loại không biểu lộ được ở đây, cõi thiên đàng vì vậy không có với người nặng về mặt vật chất nhục dục; khi qua đời sức thu hút của cõi trần đối với họ quá mạnh, nên sau một thời gian ngắn ngủi ở thế giới bên kia, người như thế quay trở lại cõi trần, đầu thai kiếp mới.
Đi sâu hơn nữa, vì thiên đàng là phần thưởng cho hành vi, tư tưởng, tình cảm, khoảng thời gian trên thiên đàng không vĩnh cửu mà có giới hạn, khi lực sinh ra những sự tốt lành được dùng trọn, tìnhtrạng hoan lạc chấm dứt và con người tái sinh. Nơi cõi thiên đàng, tùy theo những điều thâu lượm được trong lúc sống mà con người biến đổi kinh nghiệm sang tài năng. Với em nhỏ trong trường hợp I đó là lòng say mê nghiên cứu thiên nhiên, với mục sư trong II, ông đào sâu về ngành học của mình. Nhìn được vậy, chúng ta sẽ không thấy lạ lùng nếu em nhỏ trong kiếp tương lai tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về thảo mộc học, hay mục sư thành sử gia uyên thâm.
Về sự hòa đồng, bởi cõi thiên đàng có mục đích là cho linh hồn ‘nghỉ hè’ sau những khổ đau của cõi trần, nó chỉ đạt tới hay vào được khi con người có những rung động tương ứng. Tức những rung động đối chọi với lòng vui vẻ, sung sướng làm con người không vào được chỗ ấy; thành ra với em nhỏ, lúc ban đầu cha mẹ không thể đến với em dễ dàng như các anh chị em trong nhà, vì lòng sầu khổ khiến họ không hòa nhịp được với hoan lạc, và tình cảm ấy ngăn chận làm ba mẹ ít có dịp thăm em; ngược lại, anh chị em có lẽ vì còn trẻ ít thành kiến nên đã có thể đến chơi với em thường.
Một câu chuyện khác nói rõ thêm phản ứng bất lợi của sự khóc lóc vật vã đối với người qua đời như sau. Từ lúc mất con bà mẹ không ngừng cảm thấy đau đớn, nỗi bi ai khiến bà khóc mãi, trong giấc mơ bà gặp con về đi lom khom như mang một gánh nặng trên lưng. Hỏi tại sao, cậu bé trả lời.
– Má à, tại má hết. Nước mắt má tuôn con phải vác trên lưng, má khóc nhiều chừng nào con bị nặng lưng chừng đó. Má phải bớt khóc con mới đi thẳng người lên được.
Chuyện có thật hay không điều ấy không quan hệ, việc cần là chúng ta rút từ đó một bài học để phản ứng thích hợp khi người thân ra đi. Sự đau khổ do phân ly gây ra là có thật, nhưng nghĩ cho cùng, ta sầu não vì bị mất người thân, còn chính người ấy đang bước vào cảnh sống đẹp đẽ như ước mơ. Hẳn bạn ủ rũ vài ngày khi thân quyến đi nghỉ mát xa, nhưng tình trạng kéo dài không lâu khi bạn nhận được bưu thiếp, email, hình cho hay người thân rất sung sướng với nơi đang ở. Thế nên lòng bi thương có khi mang đôi nét ích kỷ mà ta nên tránh. Áp dụng câu chuyện trên vào thực tế, một điều ta giúp ích rất nhiều cho người qua đời là cầu nguyện, gửi nhữn gtư tưởng an vui giúp cho việc chuyển tiếp giữa hai cảnh sống được dễ dàng.
Bây giờ câu hỏi đặt ra với người mẹ qua đời khi con còn nhỏ, với người chồng tử nạn trong lúc vợ con trông cậy vào mình, là họ có yên lòng với cuộc sống mới chăng. Sự việc có hai phần, khi qua đời bộ óc xác thịt mất đi, con người nhìn sự sống rõ ràng hơn (mà không thông minh hơn, tương tự bạn nhìn đường phố qua cửa xe bị nước mưa làm nhòe, khi mở cửa bước ra cảnh tượng hóa rõ hơn. Cần nhấn mạnh để sửa chữa quan niệm là khi chết người thiếu hiểu biết có thể trở nên hiểu biết hơn và được tôn xưng là thánh, là thần), thấy được nguyên nhân và hậu quả phần nào, do đó có một thái độ hợp lý với gia đình còn ở lại.
Ngoài ra, thiên đàng là sự thể hiện của ước mơ thánh thiện, người mẹ thương con, người chồng thương vợ gặp lại đối tượng của mình nơi đó và như vậy được hạnh phúc. Vật họ gặp là hình tư tưởng, là ảo tưởng vì đối tượng vẫn còn ở thế gian; hình ấy sinh ra do lòng yêu thương nồng nàn, Chân nhân của đối tượng cảm nhận tình thương đó nên dùng năng lực riêng linh động hóa hình tư tưởng, khiến nó giống y như người dưới trần. Kết quả chung là tình thương yêu tuôn tràn, kết chặt hai linh hồn với nhau, và bản tính người đã khuất hóa đẹp đẽ hơn do thương yêu, điều mà họ sẽ mang theo sang kiếp mới.
Người trung bình sẽ chìm đắm trong ảo tưởng đó cho tới lúc luật tái sinh, với người hiểu biết hơn họ không bước vào một giấc mơ hoa như thế, mà tiếp tục phụng sự ở cõi bên kia như trường hợp II và III. Bởi cõi Devachan là kết quả của hình tư tưởng, tình cảm đẹp đẽ lúc sống, ta suy ra người thánh thiện hay linh hồn tiến hóa đã tạo nhiều việc lành khi còn ở dưới trần, theo đúng luật họ sẽ có thời gian lâu dài trên cõi ấy, phải thế chăng ? Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế, đây là các linh hồn rất nhậy cảm với những vấn đề của thế giới, nên thường khi họ không ở lâu bên kia mà tái sinh mau lẹ lại cõi trần, để giúp đỡ nhân loại và thực hiện thiên cơ. Ở đây và cũng ở nhiều điểm khác, ta thấy có sự tương đồng bề mặt giữa người thật cao và người thật thấp:
– Người nặng về vật chất tái sinh mau lẹ như đã nói, thời gian ở Devachan ngắn ngủi.
– Người tiến xa không còn bị dục vọng cõi trần thu hút, mà bởi tình thương, bởi việc làm chưa xong hay biết được thiên cơ và biết chuyện cần làm, cũng sẽ mau chóng tái sinh, tự ý bỏ khoảng thời gian dài nghỉ ngơi ở Devachan. Điển hình là niềm tin về hậu thân của đức Dalai Lama của Tây Tạng. Dân gian tin ngài là hóa thân của đức Quan Thế Âm (theo truyền thuyết xưa của Ấn và Tây Tạng, đức Quan Thế Âm mang thân xác nam, chỉ khi truyền sang Trung Hoa thân xác nữ mới được nối kết với ngài) xuống trần để độ người. Theo đó ngài không ngừng tái sinh, một kiếp vừa xong là ngài mang lấy ngay thân xác mới để tiếp tục công việc.
B. Nhận xét thứ hai là trong đa số trường hợp, ai qua đời cũng được chào đón, hướng dẫn giúp cho họ làm quen với đời sống mới. Trường hợp II tả điều ấy, thường thường người trong gia đình hay bạn bè đón nhau khi ngày giờ tới, bằng không trong Phật giáo có niềm tin là đức Địa Tạng Bồ Tát tiếp dẫn người qua đời, hay Thiên Chúa giáo nói đến Tử Thần cũng làm nhiệm vụ trên. Hình tư tưởng của những đấng cao cả được người phụng sựlinh hoạt, khiến ai qua đời gặp lại đấng họ tôn thờ và do đó bớt xao xuyến, lạ lùng với cảnh mới.
Vai trò của người phụng sự rất hữu ích nơi đây, họ có thể còn sống hay đã khuất nhưng họp thành toán, phân chia công tác và đến nơi sắp có thảm trạng (máy bay rớt, tầu chìm, bom nổ) để cố gắng giảm bớt sự kinh hoàng nạn nhân trải qua, giúp người tử nạn ý thức tình trạng của mình. Sách vở gọi họ là người cứu trợ vô hình và ông Geoffrey Hodson có chuyện lý thú sau.
‘… Lần trình bầy đầu tiên của tôi là tại thị trấn Wigan, và bài nói chuyện của tôi là về đề tài ‘Sự Sống sau khi Chết’. Không lâu sau đó khi trở lại nơi này cho bài thứ hai, có một bà mặc áo tang cùng con gái đứng chờ tôi trước cửa nhà họp. Hai người khẩn khoản xin được nói chuyện nên tôi dàn xếp để gặp họ.
‘Bà mẹ kể là vài tuần trước khi tôi có bài giảng ‘Sự Sống sau chi Chết’, con trai bà nằm chờ chết và bà cảm thấy sầu não tột cùng. Y sĩ chăm lo khuyến cáo bà nên ở gần bên anh và bà ngủ ở phòng kế bên, với cửa giữa hai phòng để mở, riêng phòng bà có thêm cửa mở ra ngoài. Trong đêm, cửa này mở ra và có hai thanh niên bước vào; làm như họ không nhận biết có bà mà đi qua để vào phòng nơi con trai bà nằm. Lát sau họ trở ra và một trong hai thanh niên nói chuyện với bà với sự dịu dàng rất mực.
‘Anh nói bà không nên đau khổ vì bà không mất con mà anh chỉ rời bỏ xác thân vật chất. Rồi thanh niên tiếp tục và giải thích về đời sống ở bên kia, và bà thấy được an ủi hết sức và nhẹ lòng. Sau rốt hai thanh niên đi ra qua cửa mà họ đã vào. Con trai bà qua đời sau đó một thời gian ngắn, và người mẹ được nâng đỡ bởi sự trợ giúp bà nhận được. Bà thuật lại cho gia đình nghe, luôn cả bạn bè, câu chuyện về hai người khách lạ nên mọi người đâm ra quen thuộc với hai người trợ giúp như bà.
‘Rồi mẹ và con gái dự buổi giảng của tôi ‘Sự Sống sau chi Chết’ và ngồi ngay hàng đầu. Họ sững sờ khi bước lên bục là người không ai khác hơn một trong hai thanh niên đã gặp bà ở nhà ! Họ muốn kể tôi nghe câu chuyện và bầy tỏ lòng biết ơn.’
Lời cám tạ chân thành của hai mẹ con làm ông vừa mừng vừa ngạc nhiên, vì tuy rất hâm mộ công tác của người cứu trợ vô hình, ông không biết là mình thuộc về toán ấy, nói khác đi bộ óc không ghi nhận những gì làm trong lúc ngủ, và thức dậy ông không nhớ gì, cũng như không hề nhớ là đã có lần gặp bà mẹ.
Mấy chục năm sau, ông lại có một kinh nghiệm không dễ chịu bằng. Một buổi sáng ông cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy và hồi nhớ rằng đêm trước, khi đi làm công việc cứu trợ trong thể thanh, ông đã phải chứng kiến cảnh một người bị tra tấn, sự việc làm ông xúc cảm và chấn động quá mạnh nên những vị cao hơn mang ông rời cảnh ấy về nhập xác.
Bạn có thể làm người cứu trợ nếu lòng tha thiết đủ mạnh. Mỗi tối trước khi đi ngủ, hãy cầu nguyện, dâng hiến thời giờ của mình vào việc làm hữu ích cho nhân loại. Niềm tin mạnh mẽ, động cơ trong sạch và lòng thương yêu chân thành chắc chắn sẽ giúp bạn thực hiện điều mong ước, còn việc nhớ lại hay không, điều đó không quan hệ.
C. Điều chót khi nghiên cứu ba trường hợp trên là cảnh sống bên kia tùy thuộc vào đời sống bên này, vì sự sống là sự liên tục của tâm thức, đời sống tinh thần của ta ở cõi trần ra sao thì sẽ tiếp tục y thế khi qua đời.
Như vậy, đời sống bên kia sẽ vô vị và nhàm chán khi lúc sống con người không phát triển về mặt tinh thần. Nếu quá chú tâm vào vật chất, khi qua đời nhu cầu vật chất không còn nữa, người bạn sẽ trở nên rất nghèo nàn, trống rỗng tâm linh, sự sống không được kích thích hoặc bởi óc hiếu tri, hoặc bởi tình thương và do đó hóa buồn tẻ. Việc mở mang tinh thần không hàm ý về trí tuệ mà thôi, nó có ý nói con người thật và từ ái là một. Vì vậy người giàu tình thương có hình dạng biểu lộ hết sức rực rỡ ở cuộc đời bên kia, vẻ chói sáng, mầu sắc đẹp đẽ của hào quang họ thường làm nhiều người mới qua đời kinh ngạc khi so sánh vói mình. Câu trả lời thường rất giản dị, nét mỹ lệ đó con người tự tạo cho mình nơi cõi trần, nócó thể bị che lấp bởi quần áo tầm thường hay một xác thân không có gì đặc sắc. Khi chết, quần áo và xác thân chẳng còn, con người thật lộ nguyên nét.
Vậy muốn có đời sống hữu ích sau khi qua đời, chúng ta cần chuẩn bị ngay từ bây giờ, bằng cách tạo một đời sống phong phú về mặt tâm linh, hào hứng về trí tuệ. Trường hợp II và III cho thấy hoạt động trí tuệ tiếp tục trong điều kiện tuyệt hảo ở bên kia, còn với ai có khuynh hướng thiên về xã hội họ sẽ có nhiều cơ hội để phụng sự theo ý mình.
Tóm tắt lại ta làm chủ đời mình lúc còn sống cũng như khi qua đời, và hiểu biết điều ấy giúp ta xếp đặt lối sống của mình để không phút giây nào bỏ phí, cũng như để dọn sẵn cho một cuộc đời hữu ích thú vị sau khi chết. Đó không phải là thưởng phạt của một thần thánh nào mà hoàn toàn nằm trong tay mỗi chúng ta. Chọn lựa xem ra khá dễ dàng.
Sách tham khảo
–The Key to Theosophy, H.P.Blavatsky
–The Science of Seership, Geoffrey Hodson
–A Treatise on White Magic, A.A. Bailey
–The Externalisation of the Hierachy, A. A. Bailey
–Esoteric Psychology, vol I, II. A. A. Bailey
–Discipleship in the New Age, vol I, A.A. Bailey
–A Treatise on Cosmic Fire, A.A. Bailey
–Esoteric Healing, A.A. Bailey